Cần Giờ: Làm muối kiểu gì cũng lỗ

Đi dọc đường Duyên Hải từ ngã ba Long Hòa (xã Long Hòa) vào thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM), chúng tôi bắt gặp những đống muối trắng nằm buồn vì thương lái không ghé. Đan xen vào đó là những bãi muối đã hoang hóa màu đất, không còn trắng, không còn hình ảnh diêm dân đang cào muối giữa trưa nắng gắt. Nhiều người đã bỏ muối.

Muối chất đống ba tháng trời

Nhiều tháng nay, người dân Cần Giờ cắn răng cào muối chỉ để chất đống dưới trời nắng và chuẩn bị bạt để che khi mùa mưa đến vì giá muối rớt thảm, không người mua. Từ đầu năm 2016, giá muối bắt đầu rớt, trung bình từ 60.000 đồng/tạ xuống chỉ còn hơn 20.000 đồng/tạ. Trừ chi phí vận chuyển, tính ra mỗi tạ muối chỉ còn 8.000-12.000 đồng, chỉ đủ uống một ly cà phê!

Ông Nguyễn Minh Cường (ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa) mỗi ngày vẫn kiên trì ra đồng chăm muối, cào muối, gánh muối chất thành đống, phủ bạt chờ mong có một phép màu đến cứu cánh đồng 3 ha muối của mình. “Từ trong tết đến nay, tính ra ba tháng rồi, đống muối này không có thương lái nào ghé mua. Giờ lỗ nặng là chắc rồi” - ông Cường mở đầu câu chuyện.

Trong năm nay, ông Cường đã cho ba nhân công nghỉ vì không có tiền trả công, trong khi mỗi tháng tiền nhân công phải đến 6 triệu đồng/người, 3 ha muối của gia đình bây giờ chỉ còn vợ chồng ông đảm nhận.

“Thời gian này, thương lái không thèm đến mua nữa, thậm chí tôi phải đi tìm các “đầu nậu” để họ kêu thương lái qua coi nhưng cũng không được. Hiện vợ tôi phải chuyển qua đi cào nghêu để có thu nhập chứ mấy tháng nay không bán được hạt muối nào cả” - ông Cường than thở.

Nhiều diêm dân cho biết chưa có năm nào giá muối hạ thấp như thế. Ông Đặng Tiến Dũng (ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn) cho biết cách đây hai tháng, ông bán được 700 tạ muối với giá 23.000 đồng/tạ, từ đó đến nay không bán được nữa. “Diện tích muối nhà tôi đến 2,2 ha, tính ra trong vụ này tôi đã lỗ 40 triệu đồng rồi, chưa kể công sức hai vợ chồng bỏ ra, rồi tiền dầu mỡ, ăn uống... Trường hợp không bỏ công nhà ra mà thuê hết thì còn lỗ nặng hơn nữa” - ông Dũng xót xa nói.

Ông Nguyễn Minh Cường (ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa) mỗi ngày vẫn kiên trì ra đồng chăm muối dù giá muối rớt thảm. Ảnh: LÊ THOA

Người dân Cần Giờ vẫn cào muối mỗi ngày chất đống chờ thương lái ghé mua. Ảnh: LÊ THOA

Một ruộng muối đã bị bỏ hoang ở thị trấn Cần Thạnh, đống muối cũ vẫn còn phủ bạt. Ảnh: LÊ THOA

Khốn đốn vì bị ép mão

Đầu năm 2016, TP.HCM có chủ trương hỗ trợ người dân bán muối tồn đọng của năm 2015 bằng cách để Công ty Cổ phần (CP) Muối miền Nam mua muối cho diêm dân xã Lý Nhơn. Tưởng đây sẽ là tín hiệu vui nhưng tính ra người dân vẫn còn lỗ khi chi phí vận chuyển đến các chi nhánh của công ty muối này khá lớn. Hơn nữa, cách mua của các chi nhánh cũng không làm họ vừa lòng.

Bà Đặng Bích Hạnh (ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn) cho biết hai vợ chồng đã hai lần mang muối đến Công ty CP Muối và TM Bến Tre (tại ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), mỗi lần đều mang 66 tấn và đều bị nhân viên mua mão chỉ còn 63 tấn. “Ở nhà mình đã đong đếm hết rồi nên biết rất rõ số lượng, người làm muối bao nhiêu năm nay chẳng lẽ lại cân sai” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Phương (ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn) cũng rơi vào trường hợp tương tự. “Theo quy định của các công ty này, ai chịu mão thì được bốc trước, còn ai không chịu thì phải xếp hàng chờ sau. Diêm dân ai cũng muốn làm trước để còn kịp về đi thêm chuyến nữa, hơn nữa nếu đậu ở đây lâu phải bồi dưỡng thêm cho chủ ghe, tốn kém lại thêm tốn kém nên hầu như bà con đều chấp nhận mão hết” - ông Phương thở dài.

Ông Phương cho biết đây vốn là chủ trương tốt của Nhà nước khi để công ty muối mua hỗ trợ bà con với giá 600 đồng/kg, tính ra cũng gần 40.000 đồng/tạ, cao hơn hẳn giá muối hiện giờ. Nhưng tính ra chi phí cho việc vận chuyển muối đến các chi nhánh và thiệt thòi vì bị mão thì chẳng còn lời gì nữa. “Lần đó tôi thuê ghe chở 42 tấn sang, mão còn 40 tấn, thu được hơn 24 triệu đồng nhưng chi phí gánh, thuê ghe, tiền đổ muối, mướn thùng... đã đến 11 triệu đồng. Trừ đi tiền công và chi phí khác đổ vào ruộng muối thì coi như mất trắng. Hiện giờ nhà tôi còn 70 tấn nữa mà không dám chở bán cho công ty đó nữa. Nghe nói giá muối giờ chỉ còn 420 đồng/kg thôi. Lời lãi gì đâu mà bán” - ông Phương ngán ngẩm kể.

Huyện đang tổ chức phương án hỗ trợ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Xuân Bình, Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Cần Giờ, khẳng định huyện đã nắm tình hình sản xuất và tiêu thụ muối của bà con và đang tổ chức nhiều phương án hỗ trợ tiêu thụ. UBND huyện cũng đã khảo sát, báo cáo với UBND TP.HCM vào tháng 5-2015 về tình hình sản xuất và tiêu thụ muối trên địa bàn huyện Cần Giờ. Huyện đã kiến nghị UBND TP có chính sách thu mua muối tạm trữ khoảng 30.000 tấn trên địa bàn huyện với giá muối đảm bảo bà con diêm dân có lợi nhuận (tỉ lệ lợi nhuận trên chi phí từ 30% trở lên).

Vừa qua, UBND TP ban hành công văn về hỗ trợ tiêu thụ muối cho người làm muối tại xã Lý Nhơn và Thạnh An (thuộc khu quy hoạch sản xuất muối). Chính sách hỗ trợ thu mua muối tồn đọng của năm 2015 theo giá sàn thu mua. Trường hợp giá muối thu mua bằng hoặc thấp hơn giá sàn thì ngân sách TP sẽ hỗ trợ cho người làm muối 30% lãi trên giá thành sản xuất và toàn bộ chi phí vận chuyển thực tế từ ruộng đến các kho nhận hàng của doanh nghiệp thu mua. Doanh nghiệp thực hiện thu mua là Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam tại ba kho chứa ở Bến Tre, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Hiện giờ giá muối thu mua thấp hơn giá sàn nên chi phí vận chuyển của bà con sẽ được TP hỗ trợ toàn bộ. Huyện mới chỉ đạo cho Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính tổ chức khảo sát theo chỉ đạo của TP, tính ra đơn giá vận chuyển mỗi ký muối là bao nhiêu sớm chi trả chi phí vận chuyển cho bà con” - ông Bình khẳng định.

Đối với phản ánh các kho muối của Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam mua mão muối của bà con, ông Đặng Xuân Bình cho biết: “Huyện đã làm việc với công ty, đề nghị công ty làm việc với các bộ phận để tránh trường hợp do ùn ứ mà gây khó dễ cho người dân. Phía công ty khẳng định chỉ mua muối bằng phương thức cân ký chứ không mua mão. Do đó công ty hứa sẽ kiểm tra và huyện cũng đề nghị công ty chấn chỉnh nếu xảy ra trường hợp như người dân phản ánh”.

Cứu diêm dân cách gì?

Theo UBND huyện Cần Giờ, hiện nay giá muối tiêu thụ thấp có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người làm muối. Nhằm tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho các hộ dân, trước mắt UBND huyện tập trung các giải pháp như phối hợp với Hội Nông dân TP, Sở NN&PTNT cùng các sở, ban ngành có liên quan bàn kế hoạch tìm kiếm thị trường tiêu thụ muối cho diêm dân, kết nối doanh nghiệp với diêm dân. Đồng thời, huyện tiếp tục kiến nghị TP có chủ trương hỗ trợ tiêu thụ cho người làm muối huyện Cần Giờ niên vụ 2016 và những năm tiếp theo. Về lâu dài, địa phương sẽ đầu tư phát triển các cơ sở chế biến các sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm muối tại chỗ cho người dân cùng nhiều giải pháp khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…