Cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

(PLO)- Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy cho rằng cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài, xử lý tham nhũng.

Sáng 11-10, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) TP.HCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm giải pháp thu hồi tài sản (THTS) tham nhũng tại địa bàn.

Khó khăn do cơ chế còn lỏng lẻo

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy cho biết từ năm 2021 đến nay, các sai phạm phát hiện qua thanh tra chủ yếu ở lĩnh vực quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: SGGP

Công tác THTS qua thanh tra có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2021, ngành thanh tra thu hồi hơn 10,6 tỉ đồng (đạt 48%), năm 2022 thu hồi 37,2 tỉ đồng (đạt 88%), năm 2023 thu hồi 20,4 tỉ đồng (đạt 78%), còn sáu tháng đầu năm 2024 thu hồi 28 tỉ đồng (đạt 100%).

Dù vậy, việc THTS qua công tác thanh tra gặp phải khó khăn chủ yếu do các quy định về THTS trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài, xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm.

Cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.

Cơ quan thanh tra cũng không có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi trái pháp luật. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người có hành vi sai phạm và những người thân thích của họ…

Kiến nghị thành lập hội đồng xử lý tài sản

Để hạn chế việc tẩu tán tài sản của bản thân người phạm tội và những người thân thích của họ, ông Bảy cho rằng cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế tịch thu, THTS.

“Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế tịch thu, THTS bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài, xử lý tham nhũng” - ông Bảy đề xuất.

Về lâu dài, cần xây dựng hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần…

Bên cạnh đó, cần có quy định về quyền thanh tra, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản, góp phần phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả THTS cho Nhà nước.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: SGGP

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý tạo cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phục vụ các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được minh bạch, quyết liệt hơn.

Trong đó, quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị khi không thực hiện phải cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ cơ quan xác định các tài sản phạm tội, phục vụ cho công tác kê biên và THTS.

Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đề xuất bổ sung quy định việc kê biên tài sản được thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Đồng thời, bổ sung quy định về “tạm dừng việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự, được thực hiện trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị TP.HCM cần thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng.

Qua đó, có thể tập trung sức mạnh tổng hợp và có cơ chế tháo gỡ khó khăn về pháp lý cũng như thủ tục để hồi sinh các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn, ở các vị trí “đất vàng” của TP.HCM (như các dự án số 2-4-6 Hai Bà Trưng, số 8-12 Lê Duẩn, 152 Trần Phú, Mũi Đèn Đỏ…).

Đề xuất khởi tố tội rửa tiền nếu tẩu tán tài sản tham nhũng

Ở góc độ cơ quan công tố, ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, cho biết những đối tượng phạm tội tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế đều có sự hiểu biết về luật. Trước và sau khi phạm tội, họ đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đưa người thân vào để tẩu tán tài sản.

Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM. Ảnh: SGGP

Ngay từ khi thụ lý vụ án, kiểm sát viên phải tiến hành xác minh, kiểm soát, ngăn chặn tài sản liên quan đến dấu hiệu tội phạm, xác minh quan hệ nhân thân nhằm truy vết tài sản; vận động, thuyết phục đối tượng tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.

“Còn trong quá trình điều tra, nếu đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản mà không có ý chí khắc phục thì đề xuất khởi tố tội rửa tiền” - ông Việt cho hay…

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM, cho biết công an cũng gặp không ít khó khăn trong công tác này. Theo ông, về pháp lý, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong toả tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong toả số tiền trong tài khoản phải tương ứng.

“Quy định này khiến ngành chức năng gặp khó bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, lên tin báo, khởi tố vụ án đều khó xác định, vì các dòng tiền đan xen nhau” - Thượng tá Ngô Thuận Lăng nêu thực tế.

Ngoài ra, theo quy định, trong quá trình khởi tố điều tra, khi bị can mất tích hoặc các đối tượng liên quan bỏ trốn và chưa xác định được thì phải đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, dẫn đến rất khó khăn trong xác định hậu quả thiệt hại để thu hồi tài sản. “Quá trình thực hiện hành vi tội phạm, các đối tượng chuẩn bị rất kỹ. Họ và người thân vẫn chuộng sử dụng tiền mặt nên việc xác định tài sản để phân loại, bóc tách rất khó.

Trong khi đó, việc chuyển tiền đi nước ngoài rất dễ dàng, không thể kiểm soát được, chỉ một cuộc điện thoại ở Việt Nam có thể chuyển đi khắp thế giới và thực hiện giao dịch, chuyển hoá thành các khoản đầu tư ở nước ngoài. Việc hỗ trợ và tương trợ tư pháp về các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn” - Thượng tá Ngô Thuận Lăng cho hay.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: SGGP

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhìn nhận trong nhiều vụ án, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản bị kéo dài, phải giám định bổ sung hoặc giám định lại. Do đó, việc xác định đúng số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại gặp nhiều khó khăn.

Một số vụ án có nhiều tài sản, cổ phần, cổ phiếu không được định giá trong tố tụng hình sự hoặc do chưa hoàn thiện về pháp lý nên bị quy giá trị về bằng “0”, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.

Ông dẫn chứng ở TP.HCM, có nhiều dự án do thời gian tố tụng kéo dài, quy hoạch của địa phương thay đổi, bị Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất nên ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, của Nhà nước. Có dự án bị thu hồi như Dự án tại số 8-12 Lê Duẩn hiện đang làm bãi giữ xe tạm…

*****

Thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo PCTNTC TP.HCM, cho biết Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và THTS từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn.

Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 30 ngày 4-1-2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, các cấp ủy Đảng và các đơn vị chức năng trong việc nâng cao hiệu quả THTS.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Ngô Minh Châu phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: SGGP

Cơ quan chức năng đã tăng cường trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

“Tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác PCTNTC” - ông Châu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới