Sẽ bổ sung tội danh về hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức

Việc nội luật hóa các quy định để đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống tham nhũng là một trong những công việc đang đặt ra hiện nay, trong đó bao gồm việc hoàn thiện quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bổ sung tội danh tham nhũng như tội danh đưa, nhận hối lộ, hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức,... 
 
Công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng

Trong Kế hoạch này, một trong những nội dung thực hiện được Chính phủ đặt ra là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách, tăng cường tính độc lập cần thiết cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng để chủ động thực hiện tốt chức năng phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp trong trong công tác này.

Cùng với đó là biện pháp quan trọng phòng ngừa tham nhũng là tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý hành chính công; đơn giản hoá thủ tục hành chính; thông tin, báo cáo định kỳ về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, trả lương, hưu trí công bằng và quản lý, đào tạo, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng và kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Bổ sung tội danh về đưa, nhận hối lộ; hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức

Đây có thể được xem là một trong những nội dung đáng chú ý nằm trong Kế hoạch thực hiện Công ước. Cụ thể, Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất điều kiện áp dụng: bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư; bổ sung quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng; hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức nếu có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp...

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hành vi đưa và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có liên quan đến công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế vì mục đích vụ lợi và một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng.

Trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, Việt Nam sẽ nghiên cứu học tập phương pháp điều tra đặc biệt của các nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; nghiên cứu bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn.

3 giai đoạn thực hiện Công ước

Lộ trình thực hiện Công ước được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2011) đặt mục tiêu là tổ chức triển khai, phân công thực hiện cơ bản toàn diện nội dung Công ước trên diện rộng, bổ sung chi tiết, hướng dẫn hoàn thiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Công ước gắn kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống tham nhũng.

Giai đoạn 2  (từ năm 2011 đến năm 2016) sẽ đánh giá kết quả bước đầu về từng giải pháp thực hiện Công ước và bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Việc đánh giá toàn diện việc thực hiện nội dung Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện trong Giai đoạn 3 (từ 2016 đến năm 2020).

Theo báo Thanh Tra/Chinhphu.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm