Cần luật vận động chính sách để tránh lợi ích nhóm

Bên lề buổi đối thoại về vai trò của các tổ chức xã hội trong xây dựng chính sách chiều 6-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), cho rằng về lâu dài cần xây dựng luật vận động chính sách bởi không có hành lang pháp lý thì nhiều khi từ vận động chính sách trở thành vận động của các nhóm lợi ích.

Làm sao đọc hết mấy ngàn trang tài liệu

. Phóng viên: Hiện nay có không ít chính sách khi ban hành ra lại thiếu tính khả thi. Điều này có phải do thiếu sự tham gia ý kiến của các tổ chức xã hội nói riêng và của người dân nói chung?

+ PGS-TS Phạm Bích San: Tôi nghĩ việc nhiều chính sách ra đời không đi vào cuộc sống được chắc chắn có nguyên nhân từ việc các tổ chức xã hội chưa được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng chính sách này. Nhưng mặt khác cũng xuất phát từ việc các nhà làm chính sách chưa quan tâm đầy đủ tới thực tiễn diễn ra.

Thời gian qua, các tổ chức xã hội rất quan tâm và mong muốn tham gia vào xây dựng chính sách, như Vusta có chức năng tư vấn, phản biện xã hội, cho ý kiến đánh giá chính sách. Nhưng nếu chỉ đánh giá mà không tiến hành vận động chính sách thì không có ý nghĩa, tức là đưa các thông tin cần thiết tới những người có trách nhiệm, người làm chính sách là rất quan trọng.

Hầu như trước mỗi kỳ họp QH, các đại biểu thường nhận được khoảng 8.000 trang tài liệu từ các nơi gửi đến để nghiên cứu trong vòng 10 ngày. Vậy thì làm thế nào để đại biểu QH tiếp cận toàn bộ những thông tin này được? Khi ấy, nếu có quá trình vận động chính sách, có sự tham gia của các tổ chức xã hội thì những điều đó được các nhà làm chính sách tiếp cận dễ dàng hơn.

Hiện nay không ít chính sách ban hành ra nhưng thiếu tính khả thi do không được sự tham gia góp ý tích cực của các tổ chức xã hội và người dân từ giai đoạn soạn thảo. Ảnh: THU HẰNG

 . Nhưng nhiều tổ chức xã hội cho biết các ý kiến đóng góp của họ gửi thì cứ gửi nhưng tiếp thu hay không thì không rõ?

+ Vấn đề là cả hai chiều, mỗi bên cần có những hành lang pháp lý rõ ràng. Chẳng hạn đối với các cơ quan nhà nước, cần có ràng buộc khi tiếp nhận các thông tin từ các tổ chức xã hội và có sự phản hồi, kể cả đồng ý hay không đồng ý. Về phía các tổ chức xã hội cần cung cấp thông tin một cách bài bản vì bản thân các nhà làm chính sách không thể quan tâm đến tất cả mọi chuyện được.

Theo tôi, về lâu dài cần xây dựng luật vận động chính sách. Không phải cái gì cũng có thể vận động chính sách mà cần có hành lang nhất định. Nhiều khi không có hành lang pháp lý thì từ vận động chính sách trở thành vận động của các nhóm lợi ích khác nhau chứ không phải lợi ích của các cộng đồng lớn. Ví dụ như vấn đề bất động sản, Nhà nước thông qua rất nhanh chóng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng nhưng vấn đề nâng giá gạo cho nông dân thì rất lâu mới thực hiện được. Vậy chuyện nào quan trọng hơn không ai dám nói cả nhưng nếu vận động chuyên nghiệp, bài bản thì cả hai vấn đề được đưa lên và thông qua nhanh chóng.

Cần sòng phẳng trong góp ý và tiếp thu

. Theo quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ do Ban Bí thư vừa ban hành, các cơ quan dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật phải gửi tài liệu cho MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện phản biện và phải trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện. Theo ông như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia góp ý xây dựng chính sách hay chưa?

+ Tôi không rõ đối với các tổ chức xã hội khác như thế nào nhưng riêng đối với Vusta lâu nay hoạt động giám sát, phản biện chính sách rất thuận lợi. Hầu hết các phản biện của chúng tôi đưa lên đều được tiếp thu nghiêm túc. Phải nói rằng đối với bất kỳ phản biện nào chúng tôi đều đưa ra một cách nghiêm túc và quyết liệt với những bằng chứng thuyết phục. Nếu bằng chứng không đủ mạnh thì phản biện đó cũng bị gãy. Các nhà làm chính sách có quyền cân nhắc xem cái nào phù hợp, cái nào không. Các tổ chức xã hội có trách nhiệm cung cấp thông tin, đề xuất và đưa ra các bằng chứng, còn tiếp nhận như thế nào là quyền của nhà làm chính sách và họ chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc ra chính sách đó. Cả hai bên cần sòng phẳng như thế.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều dự thảo không ai góp ý

Lý giải về việc nhiều chính sách ban hành thiếu tính khả thi, ông Lê Trọng Vinh (Bộ Nội vụ) cho biết có nhiều dự thảo đưa lên mạng lấy ý kiến nhưng hầu như không có ý kiến nào góp ý và khi ban hành ra mới phát hiện là không khả thi. “Hiện nay có đến hai luật quy định về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương và địa phương. Chính vì vậy đã tạo nên sự thiếu thống nhất. Thời gian tới sẽ hợp nhất hai luật này thành một, đồng thời thể chế hóa một số điều Hiến pháp quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội và người dân tham gia sâu vào xây dựng chính sách, pháp luật” - ông Vinh nói.

Luật về hội: Cửa không khóa nhưng vẫn cài then

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến thắc mắc về việc Luật Hội đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. “Tuy Chính phủ đã ban hành nghị định tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động nhưng để có một luật chính thức cho hoạt động của các tổ chức xã hội thì vẫn chưa có. Điều này giống như cửa không khóa nhưng vẫn còn cài then” - ông Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Vusta, ví von.

Có mặt tại buổi đối thoại, đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết trong khóa này, QH sẽ đưa Luật Hội vào chương trình. Một luật cũng liên quan là Luật Tiếp cận thông tin cũng được lên kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.

 

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm