Ngày 18-4, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng y tế thông minh, trong tâm là y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn TP.
Tiêm vaccine bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi ở Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo đó, mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường khả năng cho mọi người dân tự thực hành bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bản thân. Thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống người dân TP.
Kế hoạch đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, TP Cần Thơ hình thành nền y tế thông minh, với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng.
Các mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, tuổi thọ bình quân đạt trên 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; Đưa mức sinh chung của TP về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con)… Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình người dân 18 tuổi đạt 167cm với nam, đạt 156cm đối với nữ. Phấn đấu 90% dân số được quản lý sức khỏe…
Đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 76 tuổi, tỉ lệ tham gia BHYT đạt 100% dận số. Chiều cao trung bình người dân 18 tuổi đạt 168,5 cm đối với nam, 157,5 cam đối với nữ.
Phấn đấu 95% dân số được quản lý sức khỏe. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%, 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Ban hành Chương trình phòng, chống dịch trong hai năm 2022-2023
Cùng ngày, UBND TP Cần Thơ ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Chương trình đề ra mục tiêu đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
“Chương trình này được thực hiện trong thời gian hai năm 2022-2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sơm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế báo cáo UBND TP xem xét tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh” – văn bản nêu.