Cần tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện giá xăng dầu trong nước đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, gây nguy cơ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cả mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Để kìm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ Công Thương và Tài chính đã đề xuất và Chính phủ có nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều ý kiến đề xuất cần cắt giảm, thậm chí là bỏ một số loại thuế, phí đang bủa vây giá xăng dầu, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều ý kiến cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng vào lúc này
là rất phù hợp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại sao lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội, đánh giá xăng dầu là hàng hóa thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, cho nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ không hợp lý, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng rất nhanh. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam lại đang kích thích tiêu dùng, sản xuất để phục hồi sau dịch COVID-19.

“Hiện nay, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không phải thuốc lá hay rượu. Do vậy áp thuế tiêu thụ đặc biệt là không phù hợp” - ông Phú nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết hiện cơ cấu thuế phí đang chiếm 38% trong giá bán xăng và 20% đối với dầu. Vì vậy trong điều kiện hiện nay, để duy trì đà phục hồi của tăng trưởng kinh tế và để giúp cho gói kích thích kinh tế của Chính phủ thì việc giảm thuế đối với xăng dầu là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài.

“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt vào lúc này là rất phù hợp. Mức giảm có thể 50%-75%. Thời gian giảm có thể trong ngắn hạn hoặc dài hạn” - TS Nghĩa nói.

Tiếp tục phân tích, ông Nghĩa cho biết ở Việt Nam, các phương tiện công cộng còn kém, quy hoạch nhà ở cũng kém. Người nghèo bị đẩy ra ngoài xa trung tâm TP. Do vậy, giá xăng dầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với thu nhập của người nghèo.

“Hiện nay, thu ngân sách về xăng dầu chiếm gần 10%. Dù giảm thuế của xăng dầu nhưng vẫn có thể tăng thu từ nguồn khác. Vì giá xăng dầu đi vào chi phí của các lĩnh vực khác, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên” - TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Cần rà soát lại cách tính thuế, phí trong xăng dầu

Tiếp tục trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng với xăng dầu không có thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Dầu là nguyên liệu cho các hoạt động vận tải và kinh tế, là huyết mạch của nền kinh tế chứ không phải là xăng. Không có xe vận tải hàng hóa nào chạy bằng xăng, đều chạy bằng dầu. Do vậy dầu không có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với dầu cũng bằng 0” - ông Bảo nhấn mạnh.

Tuy vậy, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng vẫn cần phải có chính sách để giảm đà tăng của giá xăng dầu. Nhưng việc giảm hay bỏ sắc thuế nào lại là vấn đề cần nghiên cứu vì ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác nhau.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng để đảm bảo được cả cân đối cung cầu và giá xăng dầu để hạn chế hoặc ít nhất kiềm chế được mức tăng giá của xăng dầu thì phải sử dụng đồng bộ các nhóm giải pháp.

Các nhóm giải pháp khác là quản lý kinh doanh xăng dầu, từ câu chuyện nhập khẩu xăng dầu, chọn đối tác, phương thức kinh doanh, hình thức thanh toán cho đến câu chuyện kết hợp với các nhà máy lọc dầu trong nước như thế nào để đảm bảo cả vấn đề về cung, vấn đề về giá, gắn với đó là phải tính toán luôn về dự trữ xăng dầu chiến lược. Nhóm thứ hai là về tỉ giá hối đoái, nếu cứ nhập khẩu xăng dầu mà tỉ giá hối đoái tăng, tức đồng Việt Nam mất giá thì sẽ bồi thêm một cú nặng nữa vào mặt hàng xăng dầu. Nhóm thứ ba là chính sách thuế.

“Chúng ta không nên loay hoay về việc giảm thuế bảo vệ môi trường hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Vấn đề là phải rà soát lại toàn bộ các khoản thu từ xăng dầu, đồng thời xem xét lại cách tính giá cơ sở hiện nay để tạo ra một hệ thống thu hợp lý từ xăng dầu. Hiện nay, thu thuế xăng dầu có hiện tượng thuế chồng thuế. Như thuế tiêu thụ đặc biệt có khi lại chồng lên thuế nhập khẩu hoặc thuế giá trị gia tăng lại chồng lên thuế tiêu thụ đặc biệt lẫn thuế nhập khẩu. Tôi cũng chưa tính toán không biết còn chồng lên thuế bảo vệ môi trường hay không. Tóm lại phải rà soát lại tất cả” - TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.•

 Bám sát thị trường, linh hoạt điều chỉnh thuế

 Giá cả thế giới hiện tại vẫn rất phức tạp, nhiều biến động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố địa chính trị, khó dự đoán.

Hiện tại, giá đang xuống nhưng nguồn hàng lại không nhiều nên mức giá có thể vọt lên, nên vẫn khó đoán định. Do vậy trước mắt thuế bảo vệ môi trường có thể điều chỉnh nhanh nhất.

Sau đó xem kịch bản thế nào, nếu tăng quá cao thì không chỉ thuế tiêu thụ đặc biệt, mà thuế nhập khẩu cũng phải tính toán giảm để giảm giá xăng dầu, cơ bản vẫn phải vận hành theo giá thị trường.

Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm