Cẩn trọng với thông điệp rắn Triều Tiên gửi Mỹ trước bầu cử

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un ngày 11-10 đã tham dự và chủ trì buổi đồng diễn quần chúng quy mô lớn mang tên “Sự lãnh đạo vĩ đại” kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động.

Sự kiện diễn ra chỉ một ngày sau cuộc duyệt binh với quy mô lớn chưa từng có tại nước này với điểm nhấn là màn phô diễn loại vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cải tiến. Đây cũng là lần công khai vũ khí tầm xa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6-2018.

Trong bài phát biểu khai mạc buổi duyệt binh, ông Kim nhấn mạnh Triều Tiên sẽ còn tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng và năng lực răn đe hạt nhân, dù cam kết sức mạnh này không nhắm vào một nước cụ thể nào.

Mỹ lo ngại tên lửa mới của Triều Tiên

Theo tạp chí Foreign Policy, một điểm hết sức chú ý là Bình Nhưỡng cố tình tổ chức lễ duyệt binh nói trên vào nửa đêm, rạng sáng 10-10, tức trùng với thời điểm phần lớn người dân Mỹ vừa ngủ dậy và chuẩn bị đi làm. Điều này cho thấy giới chức Triều Tiên muốn buổi lễ được dư luận Mỹ nói riêng và dư luận quốc tế nói chung chú ý càng nhiều càng tốt, cũng như thể hiện họ là bên đang nắm thế chủ động trong các vấn đề đàm phán hòa bình ở đây.

Giới quan sát lo ngại với việc cho ra mắt tên lửa mới, Bình Nhưỡng có thể sẽ khôi phục các đợt thử tên lửa trong tương lai gần, sớm nhất có thể là vào đầu năm sau. Đã có nhiều ý kiến rằng Triều Tiên sau một thời gian dài đình chỉ các hoạt động quốc phòng đáng kể theo cam kết ký với Mỹ tại hai kỳ thượng đỉnh đã không còn khả năng chế tạo hay sản xuất thêm công nghệ quân sự mới. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy khả năng Triều Tiên nhìn chung không có gì thay đổi so với giai đoạn trước năm 2018, thậm chí sự tái xuất lần này còn mang sắc thái đáng ngại hơn - hậu quả của hơn một năm tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa rơi vào bế tắc.

Xe chuyên chở các vũ khí mới được Triều Tiên trình diễn trong lễ duyệt binh ngày 10-10. Ảnh: AFP

“Việc Triều Tiên công bố ICBM là một thông tin rất đáng lo ngại. Thêm tên lửa thì khả năng Triều Tiên tấn công phủ đầu lên lãnh thổ Mỹ và khả năng chúng gây sát thương lớn cũng tăng cao hơn. Hệ thống phòng thủ Mỹ cần phải được cập nhật ngay lập tức để đối phó với nguy cơ mới này” - cựu Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bruce Klingner nhận xét.

Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng việc ông Kim tuyên bố không sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại nước khác cho thấy dù khả năng nổ ra xung đột chưa phải hoàn toàn chấm dứt nhưng cánh cửa đàm phán hòa bình vẫn chưa hoàn toàn khép lại đối với lãnh đạo hai nước. Theo ông Klingner, có thể thấy Bình Nhưỡng đã mất kiên nhẫn với việc Washington trì hoãn, không giải quyết cho xong vấn đề phi hạt nhân hóa và “đây là đòn cảnh báo mạnh tay đầu tiên, cũng có thể là cuối cùng trước khi mọi chuyện quay lại như cũ và tất cả thành quả đạt được trước đó xem như bị phá bỏ”.

Hàn Quốc, Mỹ và Nhật đang phối hợp để phân tích khả năng tấn công của tên lửa mới của Triều Tiên. Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận định nào. Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng nên tập trung vào các mục tiêu thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng thay vì tăng cường sức mạnh quân sự.

Phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng
liên quân Hàn Quốc
 KIM JUN-RAK 

Thông điệp cho ông Trump và ông Biden

Theo Foreign Policy, một lý do khác để giải thích tại sao giới lãnh đạo Bình Nhưỡng lại chọn dịp này để phô diễn vũ khí mới là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang cận kề. Đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đều đã bước vào giai đoạn chạy nước rút và lần lượt công bố những đề xuất, chủ trương cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, cả hai ông đều không đề cập đến vấn đề Triều Tiên, do Mỹ đang đối mặt với nhiều khủng hoảng lớn như đại dịch COVID-19. Điều này chứng tỏ việc đàm phán với Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ không phải là ưu tiên cho chính quyền Mỹ nhiệm kỳ mới, dù cho ai đắc cử đi nữa.
Do vậy, để tránh khả năng lại thêm một đời tổng thống Mỹ không thúc đẩy được đàm phán, Bình Nhưỡng buộc phải hành động nhanh.

“Tôi cho rằng buổi duyệt binh là một thông điệp ngầm gửi tới cả hai ông Trump và Biden, rằng nếu ông Trump tái đắc cử thì ông ấy liệu mà nên khởi động lại đối thoại song phương. Còn ông Biden trở thành tổng thống thì ông ấy nên tiếp tục xem Triều Tiên là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Mỹ” - học giả Go Myong-hyun, Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), nhận định.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul nhận định Triều Tiên thậm chí sẽ dựa vào kết quả bầu cử Mỹ để canh thời gian phóng thử ICBM mới. Hiện chưa có nhiều thông tin Bình Nhưỡng sẽ thích ông Trump hay ông Biden trở thành tân tổng thống nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, dựa vào tính khí thất thường của ông Trump suốt bốn năm qua, có lẽ Triều Tiên sẽ muốn một tổng thống Mỹ theo kiểu truyền thống và dễ đoán hơn, đó là ông Biden. Song, cũng cần cân nhắc ông Biden là phó tổng thống dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama - nhà lãnh đạo có quan điểm khá cứng rắn với Bình Nhưỡng, với quan điểm chỉ đàm phán một khi Triều Tiên chứng tỏ họ là một quốc gia “đáng tin cậy”.

ICBM mới của Triều Tiên mạnh tới đâu?

Dựa vào hình dáng bên ngoài của ICBM xuất hiện trong lễ duyệt binh của Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định đây có thể là biến thể cải tiến từ một mẫu ICBM khác là Hwasong-15. Quả tên lửa mới được cho là lớn nhất thế giới, được chở trên một xe chuyên dụng làm bệ phóng có tới 22 bánh xe. Tên lửa Hwasong-15 được Triều Tiên phóng thử vào cuối năm 2017 được chở bằng xe có 18 bánh xe. Tên lửa này dùng nhiên liệu lỏng và có tầm bắn ước tính 12.874 km, được cho có thể tấn công mọi mục tiêu trên lục địa Mỹ. Bên cạnh đó, kích thước khổng lồ của ICBM mới có khả năng được thiết kế để mang cùng lúc nhiều đầu đạn đa phương hướng độc lập (MIRV), cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu hơn và khiến việc đánh chặn khó khăn hơn.

“Nếu Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn tới bất kỳ đâu trên đất Mỹ thì loại tên lửa lớn hơn này có thể mang theo những gì?” - cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Triều Tiên Markus Garlauskas lo ngại. Dù vậy, ông cũng không loại trừ khả năng tên lửa mới ở buổi duyệt binh chỉ mới là mô hình, còn tên lửa thật sẽ được công bố sau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm