Câu chuyện đằng sau 3 di vật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

(PLO)- Với vợ chồng ông Du bà Nguyệt, tình cảm dành cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ dừng lại ở hai từ "nhớ ơn".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến thắp nhang đình Bình Phụng vừa được xếp hạng là Di tích quốc gia các địa điểm lưu niệm cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi gặp một cụ ông dáng người nhỏ nhắn đang lom khom mở cửa đình.

Hỏi ra mới biết ông là Đặng Hoàng Du (sinh năm 1951), người trông coi đình Bình Phụng mấy chục năm qua cùng với vợ là bà Nguyễn Minh Nguyệt. Ông Du và bà Nguyệt không những là đồng hương mà còn là một trong những hàng xóm của gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến thời điểm này.

Vợ chồng ông Đặng Hoàng Du và bà Nguyễn Minh Nguyệt, hàng xóm của gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Vợ chồng ông Đặng Hoàng Du và bà Nguyễn Minh Nguyệt, hàng xóm của gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Những món quà vô giá

Đôi vợ chồng già lạc quan, yêu đời và hiếu khách đã dành hẳn ra 2 giờ đồng hồ để kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm không bao giờ quên với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay còn được gọi với cái tên thân thương là "chú Chín".

“Hồi đó, mỗi lần chú Chín về đều dành thời gian ghé thăm vợ chồng tui, rồi có lần về tặng cho vợ chồng tui 2 cái áo với cái điện thoại bàn. Tui giữ đến tận bây giờ cũng được hai mươi mấy năm rồi, lâu lâu là lấy ra ngắm nghía, lau chùi cho cẩn thận. Món quà đó với người khác có thể không có nhiều giá trị vật chất nhưng với vợ chồng tui đó là món quà vô giá, không phải có tiền là sẽ mua được” - bà Nguyệt bồi hồi.

Với vợ chồng ông Du, nhìn thấy vật như nhìn thấy người, cố Thủ tướng vẫn mãi trong lòng. Dù là lãnh đạo của một đất nước nhưng đối với xóm làng, cố Thủ tướng là một người đàn ông giản dị với mái tóc bạc luôn trìu mến và gần gũi. Vợ chồng ông Du nhớ lại nhờ những lời động viên của cố Thủ tướng dù làm gì thì làm, phải cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn thì cuộc sống sau này mới đỡ vất vả, ông bà đã cố gắng nuôi nấng 5 con thành tài.

Chú Chín tặng vợ chồng tui cái điện thoại để chú Chín tiện liên lạc, hỏi thăm sức khoẻ của mọi người, nhiều khi chú về chú cũng có thể gọi để thông báo trước. Thường hôm sau về là hôm trước chú gọi điện báo, hẹn 8 giờ là đúng 8 giờ về tới liền, không hơn không kém dù chỉ 1 phút. Về tới là vô thăm đình xem thế nào, sau đó là đi hỏi thăm mọi người trong xóm. Nói thiệt chứ nhìn chú Chín ân cần, bình dị với mọi người như vậy không ai nghĩ ổng là Thủ tướng luôn đó” - ông Du tiếp lời bà Nguyệt.

Đến nay, ba kỷ vật này đã được ông bà tặng lại để trưng bày trong Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông bà chia sẻ dù không nỡ xa kỷ vật còn sót lại của cố thủ tướng nhưng nghĩ lại ông bà tuổi đã cao, sợ sau này không thể giữ gìn cẩn thận được. Nếu tặng lại cho khu lưu niệm, kỷ vật sẽ được lưu giữ từ đời này sang đời khác.

Làm nhiều điều cho quê hương

Hai vợ chồng kể trước đây có mảnh vườn khoảng 2.230m2, nằm kế bên đình Bình Phụng. Vào năm 2001, trong một lần về thăm quê, thấy đình bị xuống cấp nghiêm trọng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngỏ ý muốn xây dựng lại. Nghe vậy, vợ chồng ông Du đã quyết định hiến 2.230m2 đất kế bên đình để mở rộng và xây dựng lại ngôi đình khang trang hơn. Cũng nhờ vậy, hiện nay người dân có nơi rộng rãi để cúng bái. Lớp trẻ cũng thấy đó mà nhớ ơn những gì mà tổ tiên, ông cha đã vất vả mới có được.

Theo lời hai vợ chồng, cứ mỗi lần về thăm quê thấy việc gì cần làm để hỗ trợ, giúp đỡ đời sống người dân được tốt hơn là cố Thủ tướng quyết tâm làm ngay. Không chỉ xây dựng lại ngôi đình để thờ phụng mà cố Thủ tướng còn xây cả đường đi, trường học, trạm y tế hay thậm chí còn thông cả kênh, rạch cho người dân.

Bà Nguyệt nói: “Chú Chín hay về đây lắm, lần đó về ổng đi đường phía trong. Mà cái đường trong đó ra tới đây là đường đất, mưa thì lầy lội không đi được luôn. Lúc đó, chú Chín lội bộ vô chắc cũng mấy cây số, thấy vậy ổng cho làm đường liền luôn, nhờ vậy mà bây giờ mới được như vậy nè. Rồi về lần tiếp theo, tui nhớ rất rõ là cận tết, ổng thấy những nơi khác có điện hết rồi mà cái ấp này thì chưa có. Vì ấp này dân khổ, nghèo lắm làm gì có tiền đâu mà kéo điện. Thấy vậy chú Chín lập tức cho người kéo điện, đúng 12 giờ đêm 30 tết đó là đèn sáng cả xóm, mọi người vui dữ lắm. Mà quý ở chỗ nữa là dân được kéo điện miễn phí luôn".

Hai vợ chồng nhớ lại ngày cố Thủ tướng ra đi, hàng xóm ai cũng bàng hoàng và không thể chấp nhận sự thật. Bà Nguyệt xúc động kể: "Đến khi truyền hình đưa tin thì ai nấy cũng thất thần, chẳng ai nói với ai câu nào, cũng chẳng ai bước chân ra khỏi cửa nhà vì buồn bã. Vậy là đất nước, quê hương đã mất đi một người hết lòng vì nước, vì dân".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm