Ngày 23-9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa ra quyết định gia hạn tạm giữ lần một đối với ông Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an ập vào khám xét một chi nhánh của Công ty Alibaba trên địa bàn quận Thủ Đức. Ảnh: NT
Trước đó, ngày 18-9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Luyện - chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và em trai là Nguyễn Thái Lĩnh - giám đốc công ty để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, ông Lĩnh đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Liên tục những ngày tiếp theo, CQĐT đã tiến hành khám xét trụ sở làm việc và các chi nhánh của công ty ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời thu giữ nhiều tài liệu và tài sản liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Anh em Luyện và Lĩnh lập ra Tập đoàn Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên).
Luyện được xác định đóng vai trò chủ mưu, chỉ đạo Lĩnh thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha giao cho các cá nhân đứng tên, tự “vẽ” ra 40 dự án "ma" tại Đồng Nai (29 dự án), Bà Rịa-Vũng Tàu (chín dự án), Bình Thuận (hai dự án).
Tất cả dự án này Alibaba chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án. Sau đó Alibaba phân lô, bán nền quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để bán cho hàng ngàn khách hàng.
Liên tục trong nhiều ngày, hàng trăm khách hàng đã đến trụ sở công an để tố cáo Công ty Alibaba. Ảnh: HT
Tính đến ngày 30-6-2019, Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.
Từ khi anh em ông Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP.HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo. Đến sáng 23-9, hàng trăm người vẫn tiếp tục đến tố cáo công ty này.
Trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đã kêu gọi người dân nào là nạn nhân của Alibaba liên hệ Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cơ quan CSĐT ở các địa phương có liên quan cung cấp thông tin để phục vụ điều ra làm rõ vụ án.