Chân dung 'lái buôn tử thần' Viktor Bout và lý do Nga muốn trao đổi với Mỹ

(PLO) - Lái buôn tử thần Viktor Bout, người được Mỹ trao đổi lấy tự do cho ngôi sao bóng rổ Brittney Griner, đã bị Mỹ bắt thế nào và vì sao Nga muốn trao đổi?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từng là sĩ quan không quân Liên Xô, Viktor Bout được xem là một trong những trùm buôn lậu vũ khí làm ăn lớn nhất thế giới. Nhân vật này cũng được cho là nguồn cảm hứng của bộ phim “Lord of War” (Trùm chiến tranh) của Hollywood, phát hành năm 2005.

"Lái buôn tử thần" Viktor Bout (phải) được trao đổi với ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner (trái). Ảnh: SUNDAY TIMES

"Lái buôn tử thần" Viktor Bout (phải) được trao đổi với ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner (trái). Ảnh: SUNDAY TIMES

Cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang khắp châu Phi

Viktor Bout, hiện 55 tuổi, bắt đầu sự nghiệp bằng việc kinh doanh trong ngành vận tải hàng không hoạt động chủ yếu ở châu Phi sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Viktor Bout nhanh chóng nổi tiếng nhờ tìm ra cách trốn tránh các lệnh trừng phạt. Hồi năm 2000, một nhóm của Liên Hợp Quốc (LHQ) phụ trách giám sát lệnh cấm vận vũ khí đối với Sierra Leone cho biết Viktor Bout kiểm soát một mạng lưới phức tạp gồm hơn 50 máy bay, hàng chục công ty hàng không, công ty cho máy bay vận tải hàng hóa nguyên chuyến và công ty giao nhận hàng hóa. Nhiều công ty trong số đó bị cáo buộc tham gia vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp.

Năm 2001, Viktor Bout bị nêu tên trong một báo cáo của LHQ với tư cách là nhà cung cấp chính thiết bị quân sự và vũ khí cho các nhóm vũ trang trên khắp châu Phi. Các công tố viên Mỹ sau đó mô tả Viktor Bout là một trong những tay buôn bán vũ khí tinh vi và thành công nhất thế giới.

Những người bị tình nghi là khách hàng của Viktor Bout bao gồm ông Charles Taylor, Tổng thống Liberia giai đoạn 1997-2003 và nhà lãnh đạo Libya, Đại tá Moammar Gadhafi.

Trong thời kỳ cầm quyền, ông Taylor bị buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại do tham gia vào nội chiến Sierra Leone (1991–2002). Sau khi từ chức và chạy sang sống lưu vong ở Nigeria, ông bị bắt giữ theo yêu cầu của chính quyền Liberia và bị đưa ra xét xử trước một tòa án The Hague (Hà Lan), nơi các thẩm phán của Tòa án đặc biệt Sierra Leone chủ trì. Tháng 5- 2012, ông Taylor bị kết án 50 năm tù về các tội khủng bố, giết người, hiếp dâm.

Trong khi đó, Đại tá Gadhafi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Libya từ năm 1969 đến 2011, bị phe nổi dậy sát hại hồi tháng 10-2011. Trong suốt hai thập niên 1970 và 1980, Đại tá Gadhafi đã phát động các cuộc xung đột biên giới không thành công với Ai Cập và Cộng hòa Chad. Ông cũng bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom một máy bay của hãng Pan Am (Mỹ) trên bầu trời Lockerbie ở Scotland, khiến tổng cộng 270 thiệt mạng, bao gồm 11 người dưới mặt đất vào tháng 12-1988.

Hồi tháng 4-2005, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 30 công ty có liên quan đến Viktor Bout và 4 cộng sự. Bộ Tài chính Mỹ gọi Viktor Bout là “lái buôn vũ khí quốc tế và trục lợi chiến tranh”.

Viktor Bout từ lâu đã phủ nhận liên quan đến các hoạt động buôn lậu vũ khí.

Viktor Bout bị bắt thế nào và vì sao Nga muốn trao đổi?

Theo tờ Wall Street Journal, năm 2008, các đặc vụ Mỹ đã hỗ trợ bắt giữ Viktor Bout trong một cuộc đột kích ở Bangkok. Viktor Bout bị giam giữ khoảng hai năm ở Bangkok trong khi chờ dẫn độ sang Mỹ, và sau đó bị giam ở Mỹ thêm hai năm trước khi bị kết án.

Các công tố viên cáo buộc Viktor Bout âm mưu bán vũ khí cho những người mình vốn biết là thành viên của Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), một tổ chức du kích bị chính quyền Colombia quy là tổ chức khủng bố. Những vũ khí đó được cho là sẽ được FARC sử dụng để giết lính Mỹ.

Luật sư của Viktor Bout bào chữa rằng thân chủ mình chỉ cố gắng bán hai chiếc máy bay chở hàng, không phải vũ khí, khi Bout đến Bangkok dàn xếp thương vụ này. Viktor Bout đã nghĩ rằng mình đang gặp đại diện của FARC tại một khách sạn ở Bangkok. Nhưng thực ra, những người này là đặc tình của Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đang hợp tác với cảnh sát Thái Lan để bắt giữ Bout.

Viktor Bout trong thời gian bị giam giữ tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: REUTERS

Viktor Bout trong thời gian bị giam giữ tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: REUTERS

Năm 2012, một tòa án liên bang ở Manhattan, New York (Mỹ) tuyên án 25 năm tù đối với “lái buôn tử thần” Viktor Bout về các tội danh âm mưu giết hại công dân Mỹ, âm mưu bán vũ khí cho một tổ chức khủng bố nước ngoài. Trước tòa, Viktor Bout kiên quyết cho rằng mình vô tội.

Giới chức trách Nga từ lâu đã tìm cách thương lượng để Mỹ trả tự do cho nhân vật này. Cuối cùng, họ đạt được mục đích đó trong cuộc trao đổi tù nhân với Brittney Griner, ngôi sao của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ dành cho nữ (WNBA) hôm 8-12. Trước đó, hồi tháng 8-2022, Griner bị một tòa án tại Nga kết án 9 năm tù với cáo buôn lậu cần sa.

“Lái buôn tử thần” Viktor Bout là một tù nhân có giá trị cao đối với chính quyền Nga. Moscow đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn việc dẫn độ Viktor Bout từ Thái Lan sang Mỹ sau khi nhân vật này bị bắt vào năm 2008. Các nhà phân tích nhận định thông qua các giao dịch kinh doanh của mình Viktor Bout đã giúp thúc đẩy các mục tiêu chính sách của Nga ở châu Phi và các nơi khác. Nick Paton Walsh, cây bút phân tích an ninh quốc tế của hãng tin CNN, cho biết có những cáo buộc rằng Viktor Bout làm việc cho tình báo Nga và trở thành tài sản giá trị của Nga khi góp phần củng cố các mục tiêu địa chính trị của Moscow.

Đáp trả những chỉ trích về việc trả tự do cho Viktor Bout, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói: “Các cuộc đàm phán để trả tự do cho những người bị giam giữ sai trái thường rất khó khăn. Đó chỉ là một thực tế. Tổng thống Biden, người cảm thấy có nghĩa vụ đạo đức phải đưa Brittney về nhà, đã có cơ hội để làm điều đó”. Bà cũng lưu ý rằng Viktor Bout đã thụ án 12 năm trong nhà tù Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm