Chánh án TAND Tối cao: 'Không còn cách nào khác, chúng tôi phải động viên anh em'

(PLO)- Nhận được chất vấn về giải pháp để giải quyết tình trạng án tăng lên hàng năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có “động viên”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7-11, Quốc hội chuyển sang chất vấn khối nội vụ, tư pháp, nội vụ… Những người đăng đàn chất vấn chính gồm Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, các Bộ trưởng Lê Thành Long, Phạm Thị Thanh Trà, Tô Lâm…

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) chất vấn Chánh án TAND Tối cao rằng: Với xu thế người dân ngày càng lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa, theo báo cáo công tác của Chánh án, vụ việc hàng năm thụ lý, giải quyết đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, với nguồn lực về nhân sự và điều kiện đảm bảo như hiện nay thì rất khó khăn.

“Đề nghị Chánh án cho biết giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp”, ĐB Trần Đình Gia nêu.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết TAND Tối cao đã đề ra 17 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Trong các giải pháp đó, đáng chú ý là công tác hòa giải được tăng cường. Chánh án nói từ khi luật Hòa giải đi vào hoạt động, các vụ án được hoà giải chiếm hơn 20%, giảm áp lực đáng kể.

qh-nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: QH

Tăng cường CNTT, đặc biệt đưa vào sử dụng phần mềm trợ lý ảo. Dẫn ý kiến của Chính phủ tại hội nghị chuyển đổi số trước đây, Chánh án khẳng định trợ lý ảo của toà án là một trong những điểm sáng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia. Với sự hỗ trợ của phần mềm trợ lý ảo, đến nay có hơn 3,4 triệu lượt thẩm phán, thư ký sử dụng phần mềm trợ lý ảo. Năng suất lao động đã tăng lên, trước đây để mã hoá và đưa lên mạng 1 bản án phải mất 1 buổi, hiện nay 1h đưa lên 10 bản án.

Chánh án cũng đề cập đến giải pháp tăng cường đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán, đề cao trách nhiệm cũng như “động viên anh em” hoàn thành nhiệm vụ.

“Hiện áp lực công việc ở tất cả các toà án, không có cách nào khác chúng tôi phải động viên anh em”- Chánh án nói.

Theo Chánh án TAND Tối cao đề xuất và được Quốc hội đồng ý cho sửa đổi Luật Tổ chức Toà án. Định hướng là tăng quyền chủ động để toà án chủ động bố trí bộ máy hợp lý hơn, hình thành các toà chuyên biệt để giải quyết các vụ án có tính chuyên môn sâu; thay đổi một cách hợp lý các nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán; có chế độ phù hợp với thẩm phán.

“Về lâu dài, số lượng công việc tăng lên hàng năm, mỗi năm tăng 8-9%. Hiện toà giải quyết hơn 600.000 vụ/năm, tương lai số vụ này có xu hướng tăng đều. Về lâu dài, đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng biên chế một cách hợp lý cho hệ thống toà án”, Chánh án nói.

Tranh luận có tính chất góp ý, ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, VIAC hoan nghênh Chánh án đã đề cập đến việc hòa giải ngoài tòa. Ông đề nghị Chánh án lưu ý đến công tác trọng tài và coi đó là một cách giảm tải cho công việc của tòa án hiện đã rất nặng nề. Ông Lộc cũng nói nếu trọng tài và các phán quyết trọng tài được quan tâm, coi trọng… thì chẳng những giảm tải cho tòa án mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển trong bối cảnh thương mại xuyên biên giới sử dụng cơ chế trọng tài rất nhiều.

Chánh án trong phần trả lời sau đó ghi nhận ý kiến này của ĐB Vũ Tiến Lộc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm