Các nước châu Á lo ngại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc (TQ) và các nước láng giềng sẽ dẫn đến xung đột quân sự. Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố ngày 14-7 (giờ địa phương) ghi nhận như trên.
Báo Wall Street Journal (Mỹ) ghi nhận khảo sát được tiến hành đối với 48.643 người ở 44 nước từ tháng 3 đến tháng 6-2014, trong đó có 11 nước châu Á (TQ, Ấn Độ, Nhật, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Pakistan, Bangladesh và Việt Nam).
Trả lời câu hỏi tranh chấp lãnh thổ giữa TQ và các nước láng giềng có thể dẫn đến xung đột quân sự hay không, kết quả khảo sát cho thấy 93% số người được hỏi ở Philippines tin rằng sẽ có chiến tranh. Tỉ lệ này ở Nhật là 85%, Việt Nam 84%, Hàn Quốc 83%, Ấn Độ 72%. Thậm chí tại TQ tỉ lệ này là 62% trong khi ở Mỹ là 67%.
Liên quan đến cách nhìn nhận đối với Mỹ và TQ, kết quả khảo sát cho thấy 65% số người được hỏi có cái nhìn tích cực về Mỹ trong khi chỉ có 49% nhìn nhận tích cực về TQ. 50% số người được hỏi tại TQ có suy nghĩ tích cực về Mỹ nhưng chỉ 35% người được hỏi ở Mỹ nhìn nhận tích cực về TQ.
Quan hệ Mỹ-Trung theo biếm họa của báo China daily (Trung Quốc).
Nếu tính theo khu vực, đa số người được hỏi ở châu Phi (74%), châu Á (66%), châu Âu (66%), Mỹ La tinh (65%) có thiện cảm với Mỹ hơn TQ. Tỉ lệ người được hỏi có thiện cảm với TQ ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ La tinh lần lượt là 70%, 61%, 39% và 48%.
Riêng ở Trung Đông, đến 49% có thiện cảm với TQ trong khi tỉ lệ thích Mỹ chỉ 30%.
Mỹ có phải là cường quốc kinh tế dẫn đầu thế giới hay không? 40% số người được hỏi đồng ý. Tỉ lệ này so ra giảm so với 49% trong cuộc khảo sát quy mô nhỏ hơn tiến hành tại 20 nước năm 2008.
Trong khi đó, 31% cho rằng TQ dẫn đầu kinh tế thế giới, tăng so với 19% trong cuộc khảo sát năm 2008.
50% số người được hỏi tin rằng TQ đã hoặc sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới. 39% cho rằng TQ sẽ không bao giờ thay thế được Mỹ để trở thành cường quốc số một thế giới.
Liên quan đến Tổng thống Obama, 56% số người được hỏi tin rằng ông Obama đang thực hiện đúng công việc trên trường quốc tế.
Đáng ngạc nhiên là có tới 51% số người được hỏi tại TQ ủng hộ việc làm của ông Obama. Tại Đức, uy tín của ông Obama giảm so với năm ngoái, còn 71% so với 88%. Nguyên nhân do Mỹ nghe lén điện thoại di động của thủ tướng Đức.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được trọng vọng ở nhiều nước châu Á.
65% số người được hỏi ở Việt Nam và 57% ở Malaysia tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của ông Shinzo Abe trong các vấn đề quốc tế. Tỉ lệ này ở Bangladesh, Philippines và Thái Lan lần lượt là 56%, 55% và 53%. Tại Mỹ, có đến 49% suy nghĩ tương tự.
Ngược lại, những người được hỏi ở Hàn Quốc và TQ lại nhìn nhận rất tiêu cực về ông Shinzo Abe. Có đến 95% ở Hàn Quốc và 70% ở TQ không tin tưởng năng lực lãnh đạo của ông Shinzo Abe.
DUY KHANG - LÊ LINH