Châu Âu không yên trước lựa chọn phó tướng của ông Trump

(PLO)- Lãnh đạo nhiều nước châu Âu bất an trước lựa chọn phó tướng của ông Trump - Thượng nghị sĩ J.D. Vance, người phản đối tiếp tục viện trợ Ukraine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lãnh đạo nhiều nước châu Âu lâu nay đã không vui vẻ với viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Giờ đây, lựa chọn phó tướng của ông Trump càng làm giới chính trị gia châu Âu bất an hơn, theo đài CNN.

Thông qua việc chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance làm phó tướng, ông Trump đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nếu đắc cử thì chính sách đối ngoại đặt nước Mỹ trên hết của ông sẽ có hiệu lực trở lại, CNN nhận định.

Ưu tiên chiến lược của bộ đôi Trump-Vance không phải ở châu Âu

Về vấn đề Ukraine, ông Vance là người có quan điểm phản đối việc duy trì hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Ngày 18-2, tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước châu Âu, ông Vance nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu và người Mỹ. Ông Vance cũng cho rằng người châu Âu không thể cung cấp đủ đạn dược để đánh bại Nga ở Ukraine, hãng Reuters đưa tin.

Cũng tại hội nghị Munich, ông Vance ủng hộ một "nền hòa bình dựa trên thương lượng", và ông nghĩ Nga có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Vance từng bỏ phiếu chống lại dự luật cung cấp viện trợ của Mỹ cho Ukraine vào tháng 4. Trong một bài xã luận biện minh cho lá phiếu của mình trên tờ The New York Times, ông Vance lập luận rằng Ukraine và Mỹ phải từ bỏ mục tiêu của Kiev là quay trở lại đường biên giới năm 1991 với Nga.

“Sự lựa chọn của ông Vance cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần biết về cách ông Trump muốn tiếp cận Ukraine một khi ông ấy trở thành tổng thống: không có tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine, cắt viện trợ quân sự và kinh tế, và buộc Zelensky ngồi vào bàn [đàm phán] với ông Putin" - GS khoa học chính trị Serhiy Kudelia tại ĐH Baylor (Mỹ) nhận xét trên mạng xã hội X.

thượng nghị sĩ J.D. Vance - phó tướng của ông Trump
Phó tướng của ông Trump - Thượng nghị sĩ J.D. Vance phát biểu trước những người tham dự tại cuộc vận động tranh cử do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức ở Youngstown, bang Ohio (Mỹ) ngày 17-9-2022. Ảnh: REUTERS

Về NATO, giống như cựu Tổng thống Trump, ông Vance đã nhiều lần chỉ trích các nước thành viên NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng, theo CNN.

Trước khi trở thành lựa chọn phó tướng của ông Trump, ông Vance cũng đã cảnh báo thẳng thừng rằng châu Âu sẽ phải ít phụ thuộc hơn vào Mỹ để bảo vệ lục địa này, nói rằng Mỹ đã cung cấp tấm khiên an ninh cho châu Âu quá lâu, theo tờ Financial Times.

“Ông Vance dường như không quan tâm việc trở thành đồng minh tốt của châu Âu" - CNN dẫn lời nhận xét của bà Kristine Berzina - chuyên gia địa chính trị và an ninh và là người đứng đầu chương trình Địa chiến lược phía Bắc thuộc tổ chức nghiên cứu và tư vấn German Marshall Fund (có trụ sở chính tại Mỹ).

Về ưu tiên chiến lược của Mỹ, phó tướng của ông Trump tin rằng Mỹ không nên rút khỏi NATO hay “từ bỏ châu Âu”. Tuy nhiên, ông Vance cho rằng các ưu tiên chiến lược của Mỹ nằm nhiều hơn ở châu Á và Trung Đông.

“Hiện tại tôi quan tâm nhiều đến một số vấn đề ở Đông Á hơn là ở châu Âu” - ông Vance từng nói tại hội nghị Munich hồi tháng 2.

Thay vì tập trung vào châu Âu, vị phó tướng của ông Trump đã lập luận rằng Mỹ nên chuyển trọng tâm khỏi Nga và hướng tới Đông Á, bởi vì “đó sẽ là tương lai của chính sách đối ngoại của Mỹ trong 40 năm tới”.

Ông Sam Greene - GS về chính trị Nga tại ĐH King's College London (Anh) cho biết việc ông Trump lựa chọn ông Vance làm phó tướng sẽ cho các quốc gia đồng minh của Mỹ thấy rõ rằng nếu ông Trump thắng cử, Mỹ có thể sẽ quay trở lại và theo đuổi lâu dài chính sách đối ngoại trước đó của đảng Cộng hòa dưới thời ông Trump, theo đài CNN.

Châu Âu bất an

Lập trường của phó tướng của ông Trump hoàn toàn trái ngược với quan điểm của hầu hết các nước châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng phương Tây nên tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine và nói rằng họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán.

Ông Nils Schmid - người phát ngôn chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng ông đã quan sát ông Vance ở Munich và kết luận rằng vị thượng nghị sĩ này coi mình là người phát ngôn của ông Trump, theo hãng tin Reuters.

"Ông ấy có lập trường về Ukraine thậm chí còn cứng rắn hơn so với ông Trump và muốn chấm dứt hỗ trợ quân sự [cho Ukraine]. Về chính sách đối ngoại, ông ấy theo chủ nghĩa biệt lập hơn cả ông Trump" - ông Schmid nói với Reuters.

Ông Ricarda Lang - đồng lãnh đạo Đảng Xanh của Đức (một đảng trong chính phủ của Thủ tướng Scholz) nói: “Việc lựa chọn ông ấy làm người tranh cử là điều đáng lo ngại đối với châu Âu”.

cựu tổng thống Donal trump thượng nghị sĩ J.D. Vance làm phó tướng, châu âu lo sợ.png
Thượng nghị sĩ J.D. Vance (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump (trái) tại một buổi vận động tranh cử ở Vandalia, Ohio (Mỹ) ngày 16-3. Ảnh: AP

“Nếu cặp đôi này [ông Trump và ông Vance] chiến thắng, mọi chuyện sẽ không dễ dàng với chúng tôi. Nó sẽ không dễ dàng cho châu Âu. Sẽ không dễ dàng gì với Mỹ” - hãng tin AP dẫn ý kiến nhà phân tích người Ukraine Yurii Bohdanov đăng trên kênh Telegram.

Còn chờ xem

Bên cạnh thái độ lo ngại của các nước châu Âu, một số chuyên gia cho rằng còn quá sớm để có thể kết luận về vị thượng nghị sĩ mà ông Trump đã chọn làm liên danh tranh cử.

“Hoàn cảnh thời thơ ấu của ông ấy khiến tôi rất hy vọng rằng ông ấy, giống như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, sẽ sớm đi đến kết luận rằng sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine là lựa chọn duy nhất” - hãng tin Reuters dẫn lời bà Melinda Haring - cố vấn cấp cao của tổ chức từ thiện Razom for Ukraine (có trụ sở tại Mỹ).

"Mặc dù ông Vance đã phản đối mạnh Ukraine nhưng ông ấy vẫn chưa nắm giữ chức vụ hàng đầu, và khi ông ấy có tư cách phó tổng thống, tôi mong đợi quan điểm của ông ấy sẽ thay đổi" - bà Haring nói thêm.

Ở Ukraine, các chính trị gia cảnh giác với việc chỉ trích ông Vance một cách công khai, vì họ có thể phải đối phó với ông nếu cựu Tổng thống Trump thắng cử vào tháng 11.

Ông Oleksiy Honcharenko - một nhà lập pháp thuộc đảng Đoàn kết châu Âu của Ukraine, cho biết ông đã gặp ông Vance tại hội nghị Munich.

"Có lo ngại gì về tuyên bố của ông Vance không? Tất nhiên là có rồi. Mỹ là đồng minh lớn nhất và quan trọng nhất của chúng tôi. Chúng tôi phải tiếp tục là đồng minh và cho Mỹ thấy rằng Ukraine không chỉ cần được giúp đỡ mà còn có thể tự giúp mình" - ông Honcharenko nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm