Ngày 10-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, đơn vị nhằm đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tại cuộc họp, ngoài việc thông tin các dịch vụ công sẽ khai trương vào ngày 13-3, ông Mai Tiến Dũng cũng yêu cầu CSGT rút ngắn thời hạn ra quyết định xử phạt để người dân thực hiện việc nộp tiền nhanh, tiện hơn.
Đã kết nối dịch vụ nộp tiền vi phạm giao thông
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay dịch COVID-19 đã lan tới 103 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 4.000 người chết. Việc tích hợp thêm các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ giúp cải cách thủ tục hành chính mà còn góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh, vì người dân không phải đi thực hiện thủ tục trực tiếp.
Ông Dũng thông tin: Dự kiến chiều 13-3 sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, sơ kết ba tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp bổ sung một số dịch vụ công, có thể trải nghiệm được ngay vào thời điểm khai trương.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết sau cuộc họp ngày 5-3, Cục CSGT phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc không kể ngày nghỉ, đến 9 giờ tối 9-3 đã kết nối thành công dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Phải trừ tiền thật và tài khoản thật, đến 9 giờ tối qua (9-3) mới thành công và hôm nay chúng tôi tự tin báo cáo là đến giờ phút này, mọi điều kiện cần thiết đã xong và đã thực hiện thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia” - Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.
Demo của Cục CSGT cho thấy người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng vẫn có thể thực hiện nộp phạt trực tuyến. Theo đó, sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để thực hiện trả giấy tờ cho người dân.
“Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút là thực hiện xong” - Thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin.
Ông Đức cũng lưu ý là người dân nộp tiền trực tuyến phải sử dụng ba trường thông tin là số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên để tìm ra quyết định xử phạt.
Với việc tích hợp nộp phạt vi phạm giao thông lên Cổng dịch vụ công quốc gia, người vi phạm chỉ tốn 3-10 phút cho việc này. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cần rút ngắn thời gian ra quyết định xử phạt
“Từ khi có biên bản đến khi có quyết định xử phạt là bao lâu?” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi. Ông nêu giả định ông đi từ Phủ Lý lên Hà Nội tốn thời gian khoảng 1 giờ, ông mượn vợ thẻ ATM để thanh toán tiền nộp phạt rồi đi Hải Dương luôn. “Vì vậy, tôi cần có biên lai nộp phạt ngay” - ông nói và cho rằng quy trình xử lý trong hệ thống CSGT cần rút ngắn để có thể ra quyết định xử phạt một cách nhanh nhất, tốt nhất là trong ngày.
77.226 tài khoản đăng ký; hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái chỉ sau ba tháng khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. |
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn bảy ngày, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ… nhưng có những hành vi cần phải xác minh làm rõ mới ra quyết định. Với hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay, sau ca công tác (4 tiếng), tổ tuần tra kiểm soát bàn giao biên bản cho bộ phận trực tại nhà để ra quyết định xử phạt.
Đại diện VNPT thông tin là người dân có thể thực hiện thanh toán tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nhận kết quả tại nhà. Để thực hiện được dịch vụ này, người dân cần tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi thanh toán xong, cổng sẽ chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ sang cơ quan CSGT các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm. Dù dịch vụ thu tiền phạt vi phạm giao thông chỉ thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận nhưng việc trả kết quả tại nhà VNPT triển khai trên toàn quốc.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần rà soát để vận hành, chú ý tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, thực hiện đúng nguyên tắc đăng nhập một lần, loại bỏ bớt hồ sơ đính kèm.
Mở rộng dịch vụ công trực tuyến Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp năm dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương là đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mãi; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, trung áp. Cổng cung cấp ba dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ là cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hai tiện ích được tích hợp trên cổng là thanh toán tiền điện và nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Với Hà Nội có thêm đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân. TP.HCM có thêm đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế. Ngày 13-3 sẽ có thêm các dịch vụ công gồm: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp... |