Theo dòng thời sự

‘Chìa khóa vàng’ để hạ tầng giao thông TP.HCM cất cánh

(PLO)- Ngày 10-7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong các cơ chế đặc thù của Nghị quyết (NQ) 98, có nhiều chính sách vượt trội cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông có thể triển khai ngay trong tháng 8-2023, đây là một dấu mốc quan trọng để hạ tầng giao thông TP cất cánh trong thời gian tới.

Trước đó, TP.HCM đã lên kế hoạch thực hiện hàng loạt dự án trọng điểm về giao thông để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm 2023, UBND TP đã thông qua danh mục 33 dự án công trình giao thông trọng điểm TP sẽ thực hiện trong năm. Trong đó có các dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án thuộc nhóm chuẩn bị đầu tư.

Đặc biệt, một loạt dự án đã được TP.HCM lên kế hoạch để hiện thực mục tiêu hạ tầng giao thông. Đó là đường vành đai 3, tuyến metro số 1, số 2, các trục đường liên vùng, cảng quốc tế Cần Giờ, cầu Cát Lái, rạch Xuyên Tâm...

Ngoài ra còn hàng loạt dự án nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền TP nhưng còn vướng mắc về cơ chế và nguồn lực. Cụ thể như các dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, đường vành đai 4 TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Bình Tiên…

Trước đây, dù TP đưa vào danh sách các dự án trọng điểm về giao thông nhưng còn vướng mắc về phương thức đầu tư cũng như nguồn lực thực hiện. Bởi từ nay đến năm 2030, TP.HCM cần khoảng 44 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông. Trong khi đó, vốn ngân sách của TP.HCM dành cho phát triển hạ tầng hằng năm không đáp ứng đủ. Chỉ riêng giai đoạn 2021-2025, TP.HCM bố trí được cho lĩnh vực giao thông khoảng 75.760 tỉ đồng, chỉ đạt 25,8% nhu cầu.

Bài toán này đã được Quốc hội tháo gỡ khi ban hành

NQ 98/2023 có hiệu lực ngay từ ngày 1-8 tới đây, trong đó cho phép TP áp dụng phương thức đầu tư BT (được trả chậm bằng tiền thay vì quỹ đất), giúp tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông TP, là cú hích để hàng loạt dự án giao thông trọng điểm bứt tốc.

Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua NQ 98, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tổ chức họp để triển khai NQ. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành các văn bản hướng dẫn chậm nhất là ngày 15-8-2023. Tức là chỉ sau 15 ngày NQ có hiệu lực thi hành.

Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo trong triển khai NQ là phải chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn, hành động quyết liệt và có sản phẩm cụ thể với hiệu quả cân đong đo đếm được, nhân dân được thụ hưởng thật. Thủ tướng yêu cầu ban hành ngay kế hoạch hành động của Chính phủ, trong đó phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao các phó thủ tướng phụ trách.

Ngay sau cuộc họp của Thủ tướng, Thành ủy TP.HCM cũng đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP để bàn cách đưa NQ vào cuộc sống. Và quyết tâm ấy của lãnh đạo TP.HCM không chỉ từ cuộc họp này mà trước đó, khi còn đang dự thảo nội dung NQ 98, TP đã chuẩn bị nhiều bước sẵn sàng để khi Quốc hội bấm nút thông qua là có thể triển khai ngay.

Với tinh thần khẩn trương, chủ động nhưng luôn bảo đảm sự chặt chẽ ấy, chúng ta tin chắc rằng hạ tầng giao thông TP sẽ phát triển vượt bậc, xứng đáng với một TP đứng đầu cả nước. Trước đây, TP.HCM cũng từng cho biết TP không xin tiền mà chỉ cần cơ chế. Nay cơ chế đã mở, có “chìa khóa vàng” trao tay, tin rằng TP.HCM sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm