Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc có ‘bắt chước’ Mỹ đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc?

(PLO)- Giữa lúc cuộc đua bá quyền Mỹ-Trung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng khốc liệt, Hàn Quốc phải cân nhắc thật kỹ và đưa ra chiến lược phù hợp đối với hai "ông lớn".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo các nhà phân tích, Hàn Quốc (HQ) cần đưa ra chiến lược phù hợp đối với Mỹ và Trung Quốc (TQ) trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đều đang đẩy mạnh cuộc đua giành vị trí “bá quyền” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (ÂDD-TBD), tờ South China Morning Post đưa tin.

Khuyến nghị của họ được đưa ra sau khi Tổng thống HQ Yoon Suk-yeol cho biết có kế hoạch xây dựng khung chiến lược ÂDD-TBD của riêng chính quyền Seoul hồi tháng 5.

Nỗ lực xây dựng chiến lược của riêng HQ, không bắt chước Mỹ

Được công bố trong một tuyên bố chung Mỹ-Hàn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Seoul, kế hoạch này cho thấy có thể có một sự thay đổi chính sách quan trọng của chính quyền ông Yoon. Đồng thời, kế hoạch này cũng được đưa ra sau khi HQ cho biết họ sẽ tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn đầu, nhằm đối phó ảnh hưởng trong khu vực của TQ.

“Điều thực sự cần thiết mà chúng tôi đã trăn trở rất nhiều chính là làm thế nào để tìm được vị trí của Seoul trong bối cảnh cuộc chạy đua bá quyền giữa Mỹ và TQ ngày càng gia tăng, cũng như việc sắp xếp lại trật tự ở khu vực ÂDD-TBD” - ông Kim Sang- bae, GS chính trị quốc tế tại ĐH Quốc gia Seoul (HQ), chia sẻ trong một sự kiện do Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế HQ tổ chức hôm 21-7.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Các chính sách khu vực của chính quyền Tổng thống HQ tiền nhiệm Moon Jae-in trước đây, được gọi là “chính sách phương nam mới”, chỉ bao gồm các quốc gia Đông Nam Á.

“Trong vài tháng qua, có vẻ như chúng tôi đang tiến gần hơn đến Mỹ và rời xa TQ. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải luôn xem xét cục diện một cách bao quát và cách mà Seoul có tác động đến cục diện này. Chỉ như vậy chúng tôi mới có thể đưa ra chiến lược ÂDD-TBD của riêng mình, chứ không chỉ là sự bắt chước chiến lược của Mỹ” - ông Kim nói thêm.

Ông Jeon Jae-sung - GS chính trị quốc tế tại ĐH Quốc gia Seoul - thì nhận định rằng chính sách phương nam mới của ông Moon “đã cố gắng giảm thiểu hàm ý chứa TQ trong lĩnh vực an ninh”. Tuy nhiên, đối với chiến lược ÂDD-TBD của các quốc gia khác, đặc biệt là của Mỹ, xu hướng này có vẻ khác đi.

“Hồi tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đã nói rằng các khuôn khổ chiến lược ÂDD-TBD rõ ràng là nhằm kiềm chế TQ” - ông Jeon nói thêm.

Khi các đồng minh thân cận khác của Mỹ - bao gồm Nhật, Úc và Liên minh châu Âu (EU) - từ lâu đã tham gia nỗ lực của Washington và công bố chiến lược ÂDD-TBD của riêng họ, một số chuyên gia đã coi động thái của chính quyền ông Yoon là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy HQ đang chọn cách xích lại gần Mỹ hơn là TQ.

Seoul cần cân nhắc kỹ về chính sách đối với TQ

Mặc dù có những nhận định như trên, các nhà phân tích lại nhấn mạnh rằng Seoul không thể đơn giản "khai trừ" TQ khỏi chiến lược ÂDD-TBD của họ như Mỹ đã làm.

“TQ là một quốc gia rất quan trọng đối với HQ, không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh, đặc biệt liên quan Triều Tiên. Hợp tác với TQ cũng rất quan trọng đối với chúng tôi. Điều quan trọng là chiến lược ÂDD-TBD của chúng tôi phải tương thích với những điều đó” - ông Jeon nói.

“Trên thực tế, chúng tôi cũng cần phải thực sự cân nhắc về việc liệu có đề cập đến TQ trong khuôn khổ chiến lược ÂDD-TBD của HQ hay không. Bất kể là bị hiểu nhầm hay đó thật sự là những gì chúng tôi dự định, chiến lược ÂDD-TBD của Seoul vẫn sẽ được coi là chính sách của chính phủ đối với TQ và Mỹ" - ông nói thêm.

Ngày 21-7, Bộ Thương mại TQ đã nhấn mạnh “khả năng phục hồi và tiềm năng của thương mại song phương" giữa HQ và TQ. Cụ thể, phát ngôn viên bộ này - bà Thúc Giác Đình cho biết thương mại giữa TQ và HQ đã tăng 9,4% trong nửa đầu năm 2022, lên 184,3 tỉ USD. Điều này phản ánh cả khả năng phục hồi và tiềm năng của thương mại song phương của hai quốc gia.

Bà Thúc cũng cho biết TQ và HQ đã bắt đầu giai đoạn hai của các cuộc đàm phán nhằm nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do song phương có hiệu lực vào năm 2015. Các cuộc đàm phán mới được cho là tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Trong khi đó, Seoul dự kiến ​​sẽ tham gia một liên minh liên quan linh kiện điện tử - được gọi là sáng kiến “Chip 4” mà Mỹ chỉ mới đề xuất, dự kiến có sự góp mặt của Nhật và Đài Loan.

“TQ cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy nên bao trùm và cởi mở, chứ không nên mang tính độc quyền, và nên thúc đẩy sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, nhưng không làm tổn thương và chia rẽ thị trường thế giới. Trong tình hình hiện nay, việc tăng cường mở cửa và hợp tác các chuỗi cung ứng và công nghiệp cũng như ngăn chặn sự phân mảnh đều là vì lợi ích của mọi bên và toàn thế giới” - bà Thúc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm