Ngày 4-4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gởi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ.
Giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội chậm nhất trong ngày 6-4-2024.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét gởi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT.
Theo đó, đến nay, Sở NN&PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát, đăng ký diện tích thực hiện trồng rừng thay thế và được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thực tế xác định được tổng diện tích phải thực hiện trồng rừng thay thế cho dự án là 1.845 ha.
Đã hoàn thành lập phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án với tổng diện tích đất bị thu hồi 32,2 ha của 25 hộ gia đình cá nhân với kinh phí dự kiến khoảng 64 tỉ đồng.
Đến nay đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi theo tài liệu địa hình địa chất khảo sát bổ sung gửi đơn vị tư vấn thẩm tra.
Sau khi xem xét toàn diện kết quả khảo sát địa chất và phương án thiết kế đơn vị thẩm tra thấy rằng, địa chất tại vị trí tuyến đập chính có điều kiện địa chất nền không thuận lợi.
Hiện nay, Chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn rà soát, tính toán các phương án thiết kế phù hợp với nền địa chất tại vị trí tuyến đập chính để lựa chọn phương án tối ưu nhất cho Dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu, có nguyên nhân khách quan là do có thông tin không chính xác từ báo chí, mạng xã hội.
“Ngoài ra có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư, sự phối hợp chưa tốt của các sở, ngành, địa phương có liên quan và sự chỉ đạo chưa thật sự hiệu quả của UBND tỉnh Bình Thuận”, báo cáo nêu.
Đối với công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã thực hiện từ ngày 23-2-2024, trình Bộ TN&MT trước ngày 10-4-2024 và dự kiến kết thúc 30-5-2024.
Riêng công tác hoàn thiện các thủ tục hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, đã thực hiện từ ngày 25-6-2023, dự kiến trình Bộ NN&PTNT thẩm định ngày 30-4-2024 và kết thúc 6-6-2024.
“UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường để sớm đủ điều kiện phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo”, báo cáo kiến nghị.
“Do cần thận trọng cân nhắc kỹ, đề xuất quy mô, phương án kỹ thuật phù hợp, khoa học, tối ưu, vừa bảo đảm mục tiêu của Dự án, vừa bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và tôn giáo. Đồng thời trong quá trình lập và hoàn thiện hồ sơ phải hoàn chỉnh các nội dung công việc để cập nhật vào tổng mức đầu tư liên quan đến các sở, ngành và địa phương. Vì vậy, dự kiến tiến độ thực hiện Dự án sẽ không đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội”, UBND tỉnh nêu.
Được biết, theo Nghị quyết thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025. Tuy nhiên, căn cứ tình hình triển khai thực hiện, tiến độ chuẩn bị đầu tư của dự án, UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến tổ chức triển khai thi công bắt đầu ngày 11-1-2025, kết thúc 18-4-2026. Các công tác kết thúc dự án dự kiến bắt đầu ngày 19-4-2026 và kết thúc 24-11-2027.