Vụ việc này đã khiến uy tín của chính phủ non trẻ và vị thủ tướng mới nhậm chức 4 tháng bị sụt giảm nghiêm trọng, tỷ lệ người dân ủng hộ ông chỉ còn dưới 50%.
Vụ bê bối tài chính - chính trị đã làm nổ ra một cuộc chiến quyết liệt giữa phe trung tả, phe đa số cầm quyền tại Nhật Bản và ngành Tư pháp. Nó đụng chạm đến người có công lớn nhất trong việc “vạch đường chỉ lối”, khéo léo giúp DPJ đánh bại Đảng bảo thủ Dân chủ Tự do (cầm quyền suốt 50 năm qua), mang lại chiến thắng cho Thủ tướng Yukio Hatoyama hồi tháng 8-2009.
Vụ bê bối bắt nguồn từ sau khi các nhân viên của Viện Công tố tiến hành khám xét văn phòng làm việc của ông Ozawa cũng như tiến hành thẩm vấn 3 cộng sự thân cận của ông, trong đó có một cựu lãnh đạo quỹ vận động tranh cử của ông Ozawa đang bị nghi ngờ nhận 50 triệu yên (khoảng hơn 550.000 USD) từ Công ty Xây dựng Mizutani.
Theo nhiều nguồn tin, các nhà điều tra nghi ngờ ông Ozawa nhận hối lộ khoảng 400 triệu yên (khoảng hơn 4,4 triệu USD) khi trao các hợp đồng "béo bở" cho những doanh nghiệp trong ngành Xây dựng, đặc biệt là trong dự án xây dựng đập nước Iwate (phía Bắc Nhật Bản). Những khoản tiền nhận hối lộ này còn bị các điều tra viên nghi ngờ được “rửa” thông qua hình thức mua một mảnh đất lớn ở Thủ đô Tokyo, một trong những nơi có giá bất động sản đắt nhất thế giới.
Trong buổi họp báo ngay sau lời tuyên bố của Viện Công tố, ông Ozawa, 67 tuổi, đã khẳng định hoàn toàn vô tội và đây chỉ là một trong những cách “quá cũ” của các đảng đối lập trong chiến dịch làm giảm uy tín của đảng cầm quyền cũng như của Thủ tướng. Vụ việc này được tung ra trùng với thời điểm đại hội của DPJ, không thể cho là một sự trùng hợp ngẫu nhiên được.
Ông Ozawa cho biết sẽ điều tra lại vụ này xem có bàn tay của các lực lượng đối lập đứng đằng sau hay không. Ông cũng đã chủ động đề nghị cơ quan tư pháp tiến hành thẩm vấn ông trong thời gian gần nhất để sớm làm sáng tỏ vụ việc.
Thủ tướng Hatoyama một mặt bày tỏ tin tưởng sự trong sạch của Tổng thư ký DPJ, đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ nhiệt tình ông Ozawa trong cuộc đối đầu với ngành Tư pháp. (Thủ tướng Nhật Bản đang phải “chiến đấu” chống lại những tuyên bố của ngành Tư pháp khi cáo buộc ông sử dụng tiền của gia đình để tài trợ một cách bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái).
Vụ bê bối tài chính - chính trị, dù chưa ngã ngũ, cũng đã khiến cho uy tín của đảng cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ mới nhậm chức hơn 4 tháng, nhưng tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với Chính phủ hiện xuống dưới mức 50%.
Đầu tiên là việc đương kim Thủ tướng bị cáo buộc sử dụng nguồn tài trợ tranh cử không đúng nguyên tắc, tiếp theo là sự từ chức của một chuyên gia trong ngành Tài chính Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hiroshisa Fujii, vì lý do sức khỏe. Thay vào vị trí đó là ông Naoto Kan, một người được đánh giá là không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính nhằm giúp nước Nhật vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua.
Và nay, việc Tổng thư ký Ichiro Ozawa bị Viện Công tố tiến hành điều tra giống như một đòn giáng mạnh vào uy tín của đảng cầm quyền.
Ông Ozawa tuyên bố, nếu chứng minh được mình nhận hối lộ và rửa tiền, sẽ lập tức từ chức và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, ngành Tư pháp nước này phải “làm rõ trắng đen” trước tháng 7-2010 - thời điểm bầu cử Thượng viện, rất quan trọng đối với DPJ, vì Đảng này đang rất cần chiếm được đa số ghế để các đạo luật, chính sách mới và những vấn đề quan trọng của Chính phủ có thể dễ dàng được thông qua.
Theo Nhật Anh (báo Thanh Tra/Kyodo News)