Đồng hồ điểm 15 giờ, khuôn viên Công ty TNHH Pouyen Việt Nam chộn rộn hơn khi nhiều công nhân mang bầu rời chuyền sản xuất tỏa ra các hướng để về nhà lo bữa cơm chiều.
Bám hàng rào mưu sinh
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyen Việt Nam, nói đó là những nữ công nhân đang mang thai và có con nhỏ được ưu tiên về trước một tiếng theo quy định chứ ca chiều tan lúc 16 giờ. Đa phần chị em không vội về nhà mà tấp ngay vào khu chợ bày dọc hàng rào sắt kiên cố bao quanh công ty trên đường số 7, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.
Dọc theo hàng rào sắt dài gần 1 km, cao 2 m hàng hóa được bày bán la liệt từ thực phẩm: xôi, rau, bắp, thịt, cá, khô, trái cây... đến nhu yếu phẩm: giày dép, áo quần, xà bông giặt… Không khí buôn bán xôm tụ không thua bất cứ một phiên chợ nào. Các tiểu thương chia sẻ, chợ bày bán nhốn nháo như vậy nhưng ai có chỗ nấy, không thể dọn ra trước là tranh chỗ đẹp mà mỗi chỗ đều có chủ hết. Họ đa số là dân nhập cư, trước cũng là công nhân chọn chỗ này mưu sinh, chấp nhận bán giá “bèo” nhưng bù lại họ không mất tiền thuê mặt bằng.
Đồng giá, đồng giá… 25.000, 25.000… tiếng rao chốt giá khàn khàn sệt giọng miền Nam của chị Hân gây chú ý khu vực bày bán quần áo của phiên chợ chiều. Một nhóm các bà bầu tấp vào hàng áo quần trẻ em đủ màu sắc treo dọc tường rào và trên ống cấp nước săm soi lựa đồ, rồi lặng lẽ rút tiền trả mà không hề trả giá khi chọn xong món đồ ưng ý. Trong vòng 15 phút chị bán được năm bộ đồ. Chị bảo gặp hôm nào hên còn bán được vài bộ đồ, mỗi bộ kiếm lời 4.500 đồng. Cũng món hàng này muốn bán giá cao hơn phải ra chợ thuê sạp, chi bằng dọn ra đây sống đắp đổi qua ngày.
Hoạt động mua bán, mặc cả ở khu chợ độc đáo này chỉ cách nhau một hàng rào sắt. Ảnh: P.ĐIỀN
Phù hợp với túi tiền
Chị Quyên bán rau cải cho biết giá bán ở đây thấp nhất do túi tiền công nhân quá eo hẹp. Người mua cũng nhanh vì không có chỗ nào rẻ hơn, dù chất lượng không kém gì nhau, chủ yếu lấy công làm lãi qua ngày. Như một ký rau chỉ lời 2.000-3.000 đồng, đôi dép 20.000 đồng lời được 2.000 đồng. Chị tâm tư: “Mấy năm trước chị em công nhân tan ca sà ngay vào chợ mua hàng khá “mát tay”. Hơn năm lại đây hàng bán chững lại. Qua tìm hiểu tôi mới biết chị em công nhân vay tiêu dùng ở ngân hàng và nhiều nơi khác, đến tháng nhận lương phải trả khoản vay nên túi tiền eo hẹp lại, không có đồng vào đồng ra nhiều như trước”.
Chị Liên có thâm niên làm công nhân năm năm cởi mở: “Nói chung là giá cả ở đây rất rẻ, vài chục ngàn trở xuống một món từ áo quần đến giày dép lại không mất công đi lục lọi ở các chợ, giá cao hơn và tốn nhiều thời gian”.
Chị Liên chia sẻ khoảng cách từ nơi trọ đến công ty mất chừng 15 phút nếu ngâm nga tìm chỗ ăn sáng phải mất chừng 15 phút nữa sẽ chậm giờ vào ca. Chưa kể giá bán gói xôi, bánh mì, cơm chiên ở chợ hàng rào cực rẻ, chừng 5.000-10.000 đồng là đủ bữa sáng. “Tụi em thu nhập thấp nên phải chắt bóp từng bữa ăn, khảo giá nơi nào rẻ nhất mới mua. Đồng thời tranh thủ mua đồ ăn, đồ uống ở chợ hàng rào vừa vào chuyền vừa ăn không mất nhiều thời gian” - chị nói.
Dẹp không được
Chợ họp buổi chiều, từ mớ rau, củ su hào… đều được người bán hàng cân kéo, đóng gói sẵn phù hợp với hai người, ba người... “Phòng bao nhiêu người thì chọn từng gói mà mua, không phải lật qua lật lại mất thời gian. Cái gì họ cũng cân đong gọn gàng, thấy tiện thì tạt vào trả tiền lấy đồ, không mặc cả nhiều” - công nhân tên Bình nói.
Cách đó chừng 100 m, khu vực bán hàng nước ngọt của cô Nga không khí mua bán chùng hơn, lác đác vài ba công nhân và tài xế chở hàng tấp vào mua cà phê và nước ngọt mang đi. Cô Nga cho hay thời điểm tất bật nhất là buổi sáng. Công nhân gọi liên hồi nhưng thu lại không đáng bao nhiêu do bán giá rẻ hơn bất cứ đâu. Nói đoạn cô liệt kê giá trà đường đá 3.000 đồng/ly, cà phê đá 5.000 đồng/ly. Còn nước ngọt đóng chai đồng giá 8.000 đồng. Cao nhất là bò cụng giá 12.000 đồng, chủ yếu bán cho cánh tài xế.
Gian hàng của vợ chồng anh Hợp chị Chi quê An Giang chủ yếu bán trái cây. Vừa phụ chồng dọn hàng, chị Chi cho biết vợ chồng chị bám hàng rào này mưu sinh từ nhiều năm nay. Bình quân mỗi ngày bán được vài chục ký trái cây các loại nhưng giá chỉ bằng 1/3 ở chợ nên lời không nhiều. “Hôm nào trời thuận không mưa, công nhân đến tháng lĩnh lương kiếm được 200.000 đồng/ngày” - chị kể.
Nói về khu chợ này, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND phường Tân Tạo, cho rằng khu chợ tự phát này đã tồn tại từ nhiều năm nay, chủ yếu là từ các nơi đổ về mưu sinh. Phường, quận đã nhiều lần phối hợp với Công ty Pouyen ra quân lập lại trật tự nhưng khi anh em kéo về thì tình trạng buôn bán lặp lại, chưa có chiều hướng vãn hồi.
Ông Chủ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyen Việt Nam, cho biết quy mô nhà máy lớn được phân thành các khu A, B, C, D nằm cách xa nhau. Mỗi khu như vậy có hàng chục ngàn công nhân nên mỗi khi công nhân di chuyển về căn tin nằm ở khu vực trung tâm khá xa, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, phía công ty cũng thấy việc mua bán dọc hàng rào vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm. Tuy nhiên, do nhu cầu của hàng chục ngàn công nhân, việc dẹp chợ hàng rào rất khó khả thi. ____________________________________ Để hạn chế bà con không đem hàng tràn ra đường, đến giờ họp chợ, phường chỉ cử người ra nhắc nhở, tém dẹp những người bán lấn chiếm lòng, lề đường. Về lâu dài cần có nơi bán tập trung, giá cả phải chăng phục vụ nhu cầu công nhân. Ông NGUYỄN VĂN LÂM, Chủ tịch UBND phường Tân Tạo |