Tết Nguyên đán giáp Thìn 2024 đang đến gần, thời điểm này người trồng hoa kiểng nổi tiếng ở huyện Chợ Lách đang tất bật chăm sóc hoa kiểng để phục vụ thị trường Tết.
Cúc mâm xôi đắt hàng
Theo phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, vụ hoa Tết năm nay, nông dân huyện Chợ Lách sản xuất khoảng 9,5 triệu sản phẩm hoa các loại để phục vụ thị trường khắp cả nước.
Năm nay thời tiết ít mưa, thuận lợi cho trồng hoa kiểng Tết, nhà vườn phấn khởi khi hoa Tết trúng vụ mùa.
Dù chưa đến Tết nhưng hầu hết các sản phẩm hoa cúc mâm xôi của nông dân ở Chợ Lách đã được thương lái đặt hàng mua trước tại vườn.
Gắn bó với nghề trồng hoa Tết nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Nghĩa (ở ấp Quân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách) trồng được 1.000 chậu cúc mâm xôi. Bà rất phấn khởi vì thời tiết tương đối thuận lợi và sản phẩm cũng đã được thương lái đặt hàng thu mua từ hơn 2 tháng nay với giá khá cao, 220.000 đồng/cặp.
Không chỉ cúc mâm xôi, nông dân trồng cúc Hà Lan cũng phấn khởi vì năm nay sản phẩm này được thương lái đặt mua sớm. Ông Trịnh Văn Tính ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn trồng hơn 2.000 chậu cúc Hà Lan bán Tết.
“Thời điểm này vườn hoa cúc Hà Lan của tôi đã có thương lái đến đặt mua được một nửa, với giá từ 450 ngàn đến 1 triệu đồng/cặp tùy chậu lớn hay nhỏ, được vụ hoa Tết năm nay, hoa bán được sớm, giá cao gia đình tôi rất phấn khởi”-ông Tính chia sẻ.
Những ngày này, sắc hoa treo đỏ, hồng, tím, trắng… bung nở rực rỡ tại các vườn chuyên canh hoa treo. Gia đình có truyền thống làm hoa treo hàng chục năm nay, hộ ông Phan Văn Sài ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, năm nay sản xuất khoảng 10.000 chậu hoa treo phục vụ thị trường hoa kiểng Tết. Mấy ngày này, vườn hoa treo bạt ngàn của gia đình ông Sài bung nở đủ màu sắc: đỏ, hồng, tím, trắng… rực rỡ.
“Mấy ngày nay vườn hoa treo của gia đình tôi đã có thương lái đến mua, tôi đã bán được hơn 2.000 chậu, với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng mỗi chậu. Năm nay kinh tế khó khăn giá bán hoa treo có giảm hơn so với mọi năm từ 5.000 đến 10.000 đồng mỗi chậu”- ông Sài cho biết.
Thị trường mai vàng trầm lắng
Tại làng mai Vĩnh Phú, Phú Hội của xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, không khí mua bán mai vàng chưng Tết năm nay khá trầm lắng.
Theo các hộ trồng mai, mọi năm vào trước Tết khoảng một tháng, thương lái ở các tỉnh, thành phố khắp nơi đã đến xem và đặt hàng mua mai Tết.
Nhưng năm nay thời điểm này thương lái vẫn còn lưa thưa. Song, các chủ vườn mai vẫn hy vọng thị trường sẽ khởi sắc vào những ngày Giáp Tết.
Chị Hồ Thị Phượng ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành (thành viên của HTX Mai Vàng Vĩnh Thành) cho biết, năm nay gia đình sản xuất 220 chậu mai vàng, loại mai tàng. Mấy ngày qua gia đình chị Phượng chỉ mới bán được 70 chậu với giá mỗi chậu 1,2 triệu.
“Giá bán mai vàng năm nay giảm hơn so với mọi năm, như năm rồi tôi bán mỗi chậu mai giá từ 1,5 triệu đồng thì nay chỉ còn 1,2 triệu đồng. Năm nay bán chậm hơn năm trước, thương lái đến đây cũng lưa thưa chứ không tấp nập như mọi năm”- Chị Phượng nói.
Ông Trần Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết, làng mai vàng Vĩnh Phú và Phú Hội ở xã Vĩnh Thành có khoảng 300 hộ sản xuất mai vàng các loại và nghề sản xuất mai vàng truyền thống này có từ khoảng 20 năm nay.
Hằng năm bà con ở đây sản xuất từ 700.000 -800.000 sản phẩm mai vàng các loại, nghề này đem lại thu nhập đời sống bà con phát triển khá; trong xã có khoảng 30 hộ thu nhập từ gần 1 tỉ đến trên tỉ hằng năm trở lên làm với quy mô lớn.
Cũng theo ông Thành, tình hình bán mai vàng Tết năm nay của bà con ở làng mai Vĩnh Phú và Phú Hội khó khăn hơn mọi năm. Hằng năm đến giờ này thương lái đến mua mai Tết khoảng 70% nhưng năm nay sức mua mai Tết giảm đáng kể.
“Đến thời điểm này bà con ở đây chỉ bán được khoảng 40%. Mai vàng còn tồn đọng tại vườn rất nhiều, giá cả cũng thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng vẫn chưa thấy có nhiều thương lái đến mua”.
Ông Thành cũng lý giải, có thể nguyên nhân là do “ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ mai kiểng Tết gặp khó.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 7.900 hộ sản xuất hoa kiểng, riêng huyện Chợ Lách chiếm hơn 80%.