Ít ai biết, hơn một năm trước, anh NXQ (ngụ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) từng là một chủ tàu lớn với nhiều thuyền viên liên tục vươn khơi dài ngày. Thế nhưng chỉ sau một chuyến biển “nhớ đời” hồi năm ngoái, giờ anh mất tất cả. Những ngày này, anh luẩn quẩn trong nhà phụ việc gia đình, đợi đến ngày đi làm mướn cho một chủ tàu đánh bắt gần bờ.
Anh Q kể khoảng đầu năm ngoái, tàu của anh đánh bắt lấn sang vùng biển Malaysia và bị lực lượng chấp pháp nước này bắt giữ. Sau đó, anh và thuyền viên trên tàu bị tuyên án tù. “Mình biết nếu qua biển bạn sẽ khó tránh những điều không lành. Nhưng vì nhiều áp lực nên cũng đành liều. Chuyến đó tôi mất nhiều lắm” - anh Q tâm sự.
Tương tự, anh NHĐ (cũng ngụ xã Cát Tiến) từng là chủ tàu cá có chiều dài hơn 15 m nhưng sau chuyến biển “sự cố” hồi năm ngoái, giờ anh cũng đang chờ để đi làm mướn cho một chủ tàu đánh cá khác. Tàu của anh Đ bị Malaysia bắt giữ khoảng giữa năm ngoái. Lúc đó, trên tàu ngoài anh Đ còn có sáu thuyền viên khác.
Ngư dân thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: HUY TRƯỜNG |
Cũng theo anh Đ, khi được thả về thì tài sản lớn nhất là chiếc tàu gần cả tỉ bạc cũng mất, còn chuyển nghề thì chưa biết làm gì cho phù hợp. “Làng biển thì chỉ biết làm biển thôi. Nhưng giờ đi thì cũng đi biển miền Trung chứ không đi miền Nam nữa, bị bắt một lần là khổ lắm rồi!” - anh Đ nói.
Nhiều ngư dân ở xã Cát Tiến phản ánh tình trạng ngư trường hiện nay lượng tôm, cá cũng cạn kiệt hơn trước. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hải sản cạn kiệt là hiện nay tàu giã cào quá nhiều. “Đến con cua, con ghẹ bằng ngón tay mà cũng bắt thì còn đâu mà sinh sản. Nghề giã cào là phá hoại môi trường biển nhiều nhất” - anh Q bức xúc.
Mong sớm gỡ được thẻ vàng IUU
Trao đổi với PV, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (ngụ huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho hay ông cũng như nhiều người đi biển khác sẵn sàng chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt hải sản, mong mỏi Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU.
“Việc gỡ được thẻ vàng IUU giúp nâng cao uy tín của thủy sản Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu để sản phẩm đánh bắt bớt phụ thuộc vào số ít thị trường truyền thống. Một số tàu thuyền đánh bắt vi phạm chủ quyền của nước khác đã gây tổn hại chung cho cả ngành thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân tuân thủ quy định" - ông Cảnh bức xúc.
THANH NHẬT