Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nói điều này tại Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay, 4-5.
Ông Vũ Vinh Phú: “Thực phẩm bẩn đã len lỏi vào cả những siêu thị uy tín”. Ảnh: Chân Luận
Theo ông Phú, thực trạng này khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.
Đồng tình, ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho rằng thực phẩm bẩn đang là vấn nạn.
“Chúng ta đi ra khỏi ngõ đã thấy những bà nội trợ cầm theo thuốc thử, rồi nhà nhà mua máy sục ozone. Cũng có ý kiến nói rằng truyền thông thổi phồng lên quá nhưng tôi không tán thành quan điểm này”, ông Thịnh nói và bày tỏ lo ngại vì người tiêu dùng không biết phải phân biệt thực phẩm bẩn và sạch như thế nào.
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Thịnh cho biết “chính Bộ trưởng NN&PTNN đã từng tuyên chiến vấn đề này đầu tiên ở diễn đàn Quốc hội”. Tuy nhiên, theo ông Phú, quốc nạn thực phẩm bẩn là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng.
“Theo tôi, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch”, ông Phú nói.
Quan điểm của ông Phú được ông Lê Văn Hưng, chuyên gia cao cấp Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, tán đồng. “Thực phẩm bẩn thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn đối với các hàng hóa nội địa. Đã có trường hợp hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam bị trả lại. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc tế”, ông Hưng nói.