Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói Mỹ 'thiếu trung thành' liên quan AUKUS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng AFP đưa tin ông Charles Michel – chủ tịch Hội đồng châu Âu – ngày 20-9 đã cáo buộc Mỹ “thiếu trung thành” liên quan thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, trong đó Úc đã hủy bỏ một hợp đồng lớn với Pháp để mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Trao đổi với các phóng viên tại Liên Hợp Quốc, ông Michel cho biết: "Các nguyên tắc cơ bản đối với các đồng minh là minh bạch và tin cậy. Và chúng ta thấy gì?”.

Ông Charles Michel – chủ tịch Hội đồng châu Âu. Ảnh: AFP

Ông Michel cho biết châu Âu cần "làm rõ và cố gắng hiểu rõ hơn những ý định đằng sau thông báo này là gì".

Theo ông Michel, động thái này sẽ củng cố nỗ lực của châu Âu trong việc xây dựng năng lực quốc phòng của chính họ.

Một động thái như vậy sẽ "không đi ngược lại các đồng minh của chúng ta, bởi vì nếu chúng ta mạnh hơn thì điều đó có nghĩa là các liên minh của chúng ta cũng mạnh hơn", ông Michel nói.

Theo AFP, ông Michel đã ẩn ý về sự thất vọng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden – vốn đã cam kết sẽ củng cố các liên minh sau khi người tiền nhiệm Donald Trump gây chia rẽ.

“Với ông Trump, ít nhất thì điều đó thực sự rõ ràng - giọng điệu, nội dung, ngôn ngữ - rằng EU, theo quan điểm của ông ấy, không phải là một đối tác hữu ích hay một đồng minh hữu ích" – ông Michel nói.

Úc cho biết họ hiểu sự thất vọng của Pháp nhưng các tàu ngầm thông thường của Pháp là không đủ để giữ lợi thế về tàu ngầm của Canberra trong nhiều thập niên tới trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Pháp được cho là đang bị động trước động thái này, với việc Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Úc "đâm sau lưng" và Mỹ đã “phản bội”.

Ông Le Drian hiện có mặt tại New York (Mỹ) để tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Trao đổi với các phóng viên tại New York hôm 20-9, ông Le Drian nhắc lại những lời phàn nàn rằng thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Úc đã dẫn đến việc Pháp mất hợp đồng bán tàu ngầm cho Úc.

“Có một cuộc khủng hoảng lòng tin ngoài việc hợp đồng bị phá vỡ, như thể bản thân châu Âu không có bất kỳ lợi ích nào để bảo vệ ở khu vực đó” – ông Le Drian cho hay.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes, cũng đang thăm Liên Hợp Quốc, mô tả quyết định hủy hợp đồng của Úc là "tiếng sét đầu tiên đối với Pháp nhưng cũng đối với châu Âu và thế giới trên bình diện địa chiến lược".

Châu Âu cần phải "lên tiếng nhiều hơn" và "hiện diện trên trường quốc tế", bà Wilmes nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Pháp sẽ có cuộc gặp các ngoại trưởng từ 26 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tại New York bên lề cuộc họp tại Liên Hợp Quốc.

Trong cuộc họp này, ông Le Drian sẽ thảo luận về hậu quả của thỏa thuận tàu ngầm và tầm nhìn của Pháp về một châu Âu độc lập về mặt chiến lược hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm