Bộ trưởng Quốc phòng Nhật: 'TQ tăng cường sức mạnh quân sự cả về chất và lượng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Guardian ngày 20-9 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi mới đây đã kêu gọi các nước châu Âu lên tiếng trước những hành động hung hăng của Trung Quốc.

Đồng thời, ông Kishi cũng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường các nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng lãnh thổ và quân sự của Bắc Kinh trong bối cảnh nguy cơ xảy ra xung đột "nóng" ngày càng gia tăng.

Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự 'cả về chất và lượng'

Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian, ông Kishi cho biết Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh về mặt chính trị, kinh tế và quân sự và “đang cố gắng sử dụng sức mạnh của mình để đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi thăm tàu sân bay Anh hôm 6-9. Ảnh: REUTERS

“Tokyo có những quan ngại mạnh mẽ về sự an toàn và an ninh của không chỉ đất nước chúng tôi và khu vực mà còn đối với cộng đồng toàn cầu” – ông Kishi cho biết, cảnh báo rằng “Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự cả về số lượng và chất lượng, đồng thời cải thiện nhanh chóng năng lực tác chiến của mình”.

Theo The Guardian, phát ngôn của ông Kishi là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy mối quan ngại gia tăng của quốc tế về tham vọng quân sự của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Ấn Độ và đặc biệt là Đài Loan. 

Với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực, các chuyên gia và nhà quan sát quân sự toàn cầu cũng cảnh báo rằng các cuộc đối đầu nhỏ hoặc tai nạn hàng hải có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.

Các bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng mới về quan hệ đối tác an ninh ba bên mới AUKUS, được hiểu rộng rãi là nhằm đối trọng với Trung Quốc.  

Trao đổi với The Guardian trước khi AUKUS được công bố, ông Kishi nói rằng Nhật nhận được sự hiểu biết và hợp tác của nhiều quốc gia, nhưng cần nhiều hơn nữa để đối phó Bắc Kinh. 

Theo ông, Nghị viện châu Âu, cũng như Anh, Pháp, Đức và Hà Lan, đã thể hiện sự quan tâm về việc ủng hộ "một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", song "điều quan trọng là nhiều quốc gia phải lên tiếng về tình hình này và chính điều này sẽ tự trở thành một sự răn đe”.

Theo số liệu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật, số lượng các cuộc “xâm nhập” của tàu Trung Quốc vào các khu vực tranh chấp đã tăng đáng kể từ năm 2012.

Đầu năm nay, Nhật đã phát hiện các tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi) / Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi) với tần suất kỷ lục là 157 ngày liên tiếp.

Trong những tháng gần đây, Nhật đã cứng rắn đáng kể khi kêu gọi sự can dự nhiều hơn với Mỹ và các bên khác trong việc chống lại cái mà họ gọi là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. 

Trung Quốc - Trung tâm của các mối quan tâm của EU 

Hồi tháng 4, EU tuyên bố căng thẳng ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực, trong khi tàu chiến của Pháp đã tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật, và Đức gần đây đã triển khai một tàu chiến đến khu vực lần đầu tiên sau hai thập niên.

Tàu dầu RFA Tideforce tiếp liệu cho tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, phía sau là hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Ảnh: Twitter/HMSQNLZ

Theo báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được công bố vào tuần trước, Trung Quốc là trung tâm của các mối quan tâm của EU, song khối này đang có một cách tiếp cận thận trọng. 

Tài liệu cảnh báo căng thẳng khu vực "có thể có tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của châu Âu", nhưng khuyến khích "can dự nhiều mặt" với Trung Quốc.

Trao đổi với The Guardian, ông Kishi cho biết gần đây đã gặp một số đối tác nước ngoài, gồm cả Anh, và chia sẻ rằng "những gì đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông không chỉ là vấn đề của khu vực, mà đồng thời cũng là vấn đề của cộng đồng quốc tế".

“Tôi bày tỏ rằng đây cũng là một điều gì đó đang diễn ra có liên quan châu Âu” – ông Kishi cho hay.

Nguy cơ xung đột "nóng" gia tăng

“Những xu hướng quân sự của Trung Quốc, bao gồm tăng cường nhanh chóng, gia tăng hoạt động và mở rộng năng lực tác chiến, kết hợp với sự thiếu minh bạch về chính sách quốc phòng và năng lực quân sự của nước này, đã trở thành mối quan tâm an ninh mạnh mẽ đối với Nhật, khu vực và cộng đồng quốc tế” – ông Kishi cảnh báo.

Ông Kishi cho biết Nhật sẽ thực hiện "tất cả biện pháp chống lại các cuộc xâm phạm không phận của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế và Đạo luật Lực lượng Phòng vệ Nhật", nhấn mạnh thêm rằng "các cuộc xâm nhập" xung quanh Senkaku/Điếu Ngư là sự vi phạm "rất đáng tiếc" đối với luật pháp quốc tế mà "không thể được dung thứ”.

Tàu PS206 Houou của lực lượng cảnh sát biển Nhật đi qua phía trước đảo Uotsuri, thuộc nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư năm 2013. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật từ chối cho biết điều gì sẽ khiến Nhật có phản ứng cứng rắn hơn. 

“Chúng tôi đã thẳng thắn trao đổi các mối quan ngại của mình với Trung Quốc và sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc trao đổi như vậy nhiều nhất có thể” – ông Kishi cho hay.

Trong khi đó, nhiều nhà phê bình cho rằng giao tiếp thẳng thắn dường như không hiệu quả trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng các chiến thuật “vùng xám” - các hoạt động cưỡng bức để cố tính không đạt đến ngưỡng một cuộc chiến tranh, nhưng nhằm làm kiệt sức và đe dọa đối phương.

Ông Kishi cảnh báo rằng những hành động này có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nóng.

“Các hoạt động trong vùng xám được đánh giá có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự lớn hơn” – ông cho hay, đồng thời nhấn mạnh rằng “cần có một lập trường bình tĩnh nhưng vững vàng để ngăn chặn tình huống như vậy".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm