Kênh Aljazeera đưa tin Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 18-9 đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời kêu gọi hai cường quốc sửa chữa mối quan hệ “hoàn toàn rối loạn”.
Trao đổi với hãng tin AP trước thềm cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ, ông Guterres hôm 18-9 cho biết: “Chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá một cuộc chiến tranh lạnh, vốn sẽ khác so với trước đây, có thể nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn”.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP
Theo ông Guterres, Mỹ và Trung cần hợp tác về khí hậu và đàm phán mạnh mẽ hơn về thương mại và công nghệ bất chấp những rạn nứt chính trị dai dẳng về nhân quyền, kinh tế, an ninh mạng và vấn đề Biển Đông.
“Thật không may, chúng ta hiện chỉ có sự đối đầu” - ông Guterres cho biết.
“Chúng ta cần thiết lập lại mối quan hệ giữa hai cường quốc" - ông Guterres nói thêm.
Theo người đứng đầu LHQ, điều cần thiết là phải giải quyết các vấn đề về tiêm chủng, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác, vốn không thể giải quyết được nếu không có các mối quan hệ mang tính xây dựng trong cộng đồng quốc tế và chủ yếu là giữa các siêu cường.
Hồi năm 2019, ông Guterres đã cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu về nguy cơ thế giới chia thành hai phe, với việc Mỹ và Trung Quốc tạo ra các mạng lưới cạnh tranh, các quy tắc tiền tệ, thương mại, tài chính "và các chiến lược địa chính trị và quân sự tổng bằng không" của riêng họ.
Trao đổi với AP, ông Guterres cũng nhắc lại cảnh báo trên, đồng thời nói thêm rằng hai chiến lược địa chính trị và quân sự đối địch sẽ gây ra "nguy hiểm" và chia rẽ thế giới.
Do đó, ông nhấn mạnh mối quan hệ "tuột dốc" này cần sớm được sửa chữa.
Ông Guterres cho biết thỏa thuận AUKUS, trong đó Mỹ, Anh sẽ cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để nước này có thể hoạt động mà không bị phát hiện ở châu Á, “chỉ là một mảnh nhỏ của một câu đố phức tạp hơn… mối quan hệ hoàn toàn rối loạn giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Trong cuộc phỏng vấn với AP, vị tổng thư ký cũng đề cập ba vấn đề lớn mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đối mặt trong cuộc họp tuần này: cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, đại dịch vẫn hoành hành và tương lai bất định của Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban.
Theo AP, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với các thể chế đa phương.
Ông Guterres cho biết cam kết của ông Biden đối với hành động toàn cầu về khí hậu, gồm cả việc tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris năm 2015 mà ông Trump đã rút khỏi, “có lẽ là quan trọng nhất trong số đó”.
Ông Guterres một lần nữa kêu gọi các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn (G20) tạo điều kiện cho kế hoạch tiêm chủng toàn cầu.
Theo ông, một kế hoạch như vậy phải có sự tập hợp của các quốc gia sản xuất vaccine với các tổ chức tài chính quốc tế và các công ty dược phẩm nhằm tăng gấp đôi sản lượng vaccine và đảm bảo phân phối công bằng.