Theo VietNam+ (TTXVN), với mong muốn và thiện chí của cả hai bên, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam ngay sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm phát huy xu thế tích cực, duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước; thúc đẩy trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị giữa hai bên.
Chuyến thăm thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát tốt bất đồng, cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
Lễ đón chính thức Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ diễn ra tại Phủ Chủ tịch vào chiều nay.
Sau lễ đón, Chủ tịch Tập dự kiến hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tham gia vào lễ ký kết văn kiện.
Sáng 13-11, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tới đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng di dạo, thăm nơi Bác Hồ mất và dự tiệc trà trong khu nhà sàn Bác Hồ. Chiều cùng ngày, ông lên chuyên cơ rời Hà Nội.
Trước đó, trưa 10-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đà Nẵng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và có bài phát biểu ấn tượng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi bảo vệ toàn cầu hóa như một “xu thế lịch sử không thể đảo ngược”. Ông Tập cho rằng môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi, đòi hỏi quản trị toàn cầu cũng thay đổi.
“Chúng ta cần phải thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung. Thông qua việc xây dựng các mối quan hệ đối tác và xây dựng một cộng đồng chung vì tương lai của loài người. Tôi tin rằng đây là điều chúng ta cần phải làm để tiến hành việc quản trị kinh tế toàn cầu trong thời gian tới” - ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Ông Tập Cận Bình cho rằng các nước châu Á-Thái Bình Dương cần phải có trách nhiệm và đưa đến tương lai tươi sáng hơn với ba mục tiêu:
Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế mở, có lợi cho tất cả mọi người. Theo đó, cần phải thiết lập một hệ thống khu vực đảm bảo quá trình tham vấn giữa các nước một cách ngang hàng nhau cũng như việc xây dựng một hệ thống kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mở cửa, tự do và tạo điều kiện cho thương mại, đầu tư.
“Chúng ta cần phải khiến cho quá trình toàn cầu hóa mở cửa hơn, bao trùm hơn và cân bằng hơn để mang lại lợi ích cho các quốc gia và các tầng lớp người dân khác nhau” - ông Tập nói thế và ủng hộ hệ thống thương mại đa biên…
Thứ hai là theo dõi phát triển sáng tạo và động lực mới cho phát triển. Ông Tập cho rằng trên cơ sở này phải đổi mới mô hình tăng trưởng...; loại bỏ những hàng rào cản trở sự tạo ra động lực mới cho thị trường.
Thứ ba là phát triển kết nối nhằm mang lại lợi ích chung và các bên cùng thắng. Lợi ích của các quan hệ là không rời nhau. Theo đó, ông Tập cho rằng cần tiếp tục phát triển kinh tế bao trùm hơn, mang lại lợi ích cho người dân. “Nếu chúng ta muốn mang lại lợi ích phát triển cho các quốc gia trên khắp thế giới, khắp xã hội, muốn biến tầm nhìn thành hiện thực thì phải nỗ lực hết sức mình” - ông Tập nói.