Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) – ông Leonid Slutsky cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là lựa chọn của họ, nhưng các quốc gia này phải nhận ra những hậu quả do hành động này gây ra đối với mối quan hệ với Nga.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) – ông Leonid Slutsky. Ảnh: TASS |
“Trên thực tế, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập tuyến đầu của liên minh và từ bỏ tình trạng không liên kết của họ sẽ là lựa chọn của các quốc gia này. Tuy nhiên, họ nên hiểu rõ ràng hậu quả của một bước đi như vậy” – hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Slutsky viết trên Telegram hôm 29-6, khi bình luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ rút lại quyền phủ quyết đối với Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.
Ông Slutsky nói rằng kể từ khi Liên Xô sụp đổ, NATO đã liên tục tìm cách tiến gần hơn đến biên giới của Nga.
“Đối với Nga, sự mở rộng về phía đông của NATO bắt đầu không phải bằng việc liên minh mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia, mà bằng cách phá vỡ những lời hứa đã từng được đưa ra với tổng thống đầu tiên của Liên Xô (ông Mikhail Gorbachev – NV). Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến nhiều cơn sóng kiểu này, liên tục làm dấy lên những lo ngại mới về việc đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia của đất nước chúng ta” - ông nói thêm.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga nói tiếp: “Nếu tôi là Thổ Nhĩ Kỳ, tôi sẽ không quá tự hào về những đảm bảo mà tôi nhận được để đổi lấy hành động không phủ quyết việc người Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO”.
Ngày 18-5, Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Đáng lẽ họ sẽ nhận được lời mời tham gia hội nghị thượng đỉnh của khối này ở Madrid (Tây Ban Nha), nhưng điều này đã không xảy ra do có sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 28-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Madrid về chủ đề này.
Sau 4 giờ đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết và sau đó ba bên đã ký một bản ghi nhớ mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Đổi lại, lệnh cấm bán vũ khí cho Ankara được dỡ bỏ và các bên cam kết sẽ cùng nhau chống khủng bố.
Văn phòng của ông Erdogan nói với TASS rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi văn kiện đã ký là kết quả mà Thụy Điển và Phần Lan đạt được, vốn sẽ cho phép 2 nước này trở thành một phần của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.