Sau 3 ngày hội nghị, G7 đạt đồng thuận được những gì?

(PLO)- Tuyên bố chung cho thấy G7 vừa có bước đi vừa duy trì trừng phạt dầu Nga vừa mở thêm nguồn cung dầu cho bên ngoài, đồng thời khẳng định yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là phi pháp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 – gồm 7 nước có nền kinh tế phát triển Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp và Ý - đã kết thúc vào ngày 28-6.

Sau 3 ngày hội nghị, G7 thông qua tuyên bố chung thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, theo đài Al Jazeera.

Trừng phạt vàng Nga và có bước đi mới về dầu Nga

Theo tuyên bố chung, các lãnh đạo G7 thống nhất một biện pháp để vừa vẫn duy trì trừng phạt dầu Nga vừa mở thêm nguồn cung dầu ra bên ngoài.

Cụ thể, phương Tây sẽ định ra giới hạn giá trần với dầu Nga. Theo đó, đối tác hay công ty vận chuyển hoặc nhà nhập khẩu nào đồng ý mua dầu Nga với giá từ giới hạn giá trần này trở xuống thì sẽ không bị vướng trừng phạt của phương Tây.

Việc định giới hạn giá này sẽ hạn chế lợi nhuận mà Nga có thể thu được từ dầu. Mức giá giới hạn giá này sẽ được đưa ra sau khi G7 tham vấn với các đối tác quốc tế.

Các lãnh đạo G7 cũng đang cân nhắc áp trần giá khí đốt Nga và động thái này được Ý ủng hộ mạnh mẽ.

G7 mong muốn sẽ giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào các mặt hàng liên quan Nga, bao gồm hỗ trợ các nước đa dạng hóa nguồn cung.

Ngoài ra, các lãnh đạo G7 đã đồng ý thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga. Trước đó, 4 nước G7 gồm Anh, Mỹ, Nhật và Canada tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu vàng được khai thác hoặc tinh chế của Nga.

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, vàng là mặt hàng xuất khẩu chính mang lại nguồn thu hàng chục tỉ USD cho Nga.

Về Trung Quốc

Theo thông cáo chung, G7 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình đang diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhóm G7 lưu ý: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý”.

Bên cạnh đó, nhóm cũng kêu gọi Trung Quốc thúc giục Nga “rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Ukraine”.

Lãnh đạo các nước G7 họp ở Đức ngày 28-6. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo các nước G7 họp ở Đức ngày 28-6. Ảnh: REUTERS

G7 cũng kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng các cam kết với Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật cơ bản, bảo đảm quyền, tự do và tính tự trị cao cho Hong Kong”, đồng thời bày tỏ quan ngại đến tình hình quyền con người Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền này ở Tân Cương, Tây Tạng.

Hôm 26-6, các nhà lãnh G7 đã công bố sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu” trị giá 600 tỉ USD trong 5 năm tới, nhằm giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng chống lại biến đổi khí hậu. Sáng kiến này được cho là để đối trọng với dự án Vành đai và Con đường trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc.

Về năng lượng

G7 cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tìm ra các biện pháp để kìm giá năng lượng tăng và ngăn chặn các tác động đến kinh tế, xã hội trên toàn cầu.

Nhóm cũng kêu gọi các nước sản xuất năng lượng tăng sản lượng để giảm áp lực trên thị trường.

Ngoài ra, G7 cũng cam kết chấm dứt hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch vào cuối năm 2022, trừ một số ít trường hợp tuân theo Thỏa thuận Paris.

Nhóm cam kết sẽ đạt được ngành điện được khử carbon hoàn toàn vào năm 2035.

An ninh lương thực

G7 cam kết hỗ trợ thêm 4,5 tỉ USD “để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi nạn đói và suy dinh dưỡng”.

Thông báo của G7 viết: “Chúng tôi cũng cam kết mở rộng các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu ở các quốc gia đang chịu gánh nặng về suy dinh dưỡng”.

Nhóm G7 trong phiên họp ngày 27-6. Ảnh: AP

Nhóm G7 trong phiên họp ngày 27-6. Ảnh: AP

Các nước G7 cũng cam kết luôn mở thị trường nông sản và thực phẩm, đồng thời kêu gọi tất cả đối tác tránh các biện pháp hạn chế thương mại phi lý làm tăng giá và dẫn đến mất an ninh lương thực.

Về biến đổi khí hậu

G7 cho biết nhóm đặt mục tiêu thành lập “Câu lạc bộ Khí hậu” gồm các nước cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris. Câu lạc bộ này sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và khí hậu, “từ đó giải quyết rủi ro rò rỉ carbon đối với hàng hóa phát thải nhiều và tuân thủ các quy tắc quốc tế”.

Về Iran

G7 nhấn mạnh rằng Iran không bao giờ được phép phát triển vũ khí hạt nhân và cho rằng “một giải pháp ngoại giao vẫn là cách tốt nhất để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran”.

Về vấn đề các khoản nợ của nước ngoài

G7 nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải cải thiện khuôn khổ tái cơ cấu nợ đối với những nước nghèo trong bối cảnh tình hình nợ xấu đang là thách thức của các nước đang phát triển cũng như các thị trường mới nổi.

Theo G7, do hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp đang gặp khó khăn hoặc có nguy cơ vỡ nợ nên nhóm kêu gọi các chủ nợ, bao gồm Trung Quốc “đóng góp tích cực vào những biện pháp xử lý nợ cần thiết”.

Về COVID-19

Để vượt qua COVID-19, G7 tái khẳng định “cam kết cho phép tiếp cận công bằng trên toàn cầu và phân phối vaccine, thuốc điều trị, biện pháp chẩn đoán và hàng hóa y tế thiết yếu khác một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng”.

Về bình đẳng giới

G7 cho biết sẽ “ra mắt một cơ chế giám sát liên tục các cam kết của G7 và tiến tới đạt được bình đẳng giới”.

Nhóm cũng sẽ hỗ trợ các nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng chất lượng nhằm chăm sóc trẻ em, bao gồm hỗ trợ 79 triệu USD cho Quỹ khuyến khích chăm sóc trẻ em nhằm cải thiện việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giúp đỡ trẻ em, cải thiện thu nhập gia đình và tăng trưởng kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm