Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. |
- Thưa Bộ trưởng, người tiêu dùng đang rất lo ngại về việc Bộ Tài chính sẽ lại tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô ?
- Chính phủ dự tính là như vậy nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có ý kiến chưa nên tăng.
- Trong đợt tăng thuế ô tô vừa qua tại sao Bộ Tài chính lại tăng thuế nhập khẩu linh kiện từ 3 – 5% nhưng thuế xe ô tô nguyên chiếc thì tăng tới 13% (từ 70% lên 83%). Điều này không công bằng và vô hình chung vẫn bảo hộ các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước?
- Bộ Tài chính đã tăng hết khung cả thuế linh kiện và xe nhập khẩu mới nguyên chiếc. Thuế linh kiện ô tô cũng tăng hết và đã rà từng mặt hàng rồi.
- Sau khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng 13% các loại xe này bán trên thị trường cũng chỉ tăng chừng 500 – 700 USD/xe. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu linh kiện chỉ tăng có 3 – 5% nhưng giá xe trong nước cũng tăng 500 – 700 USD/xe. Ông nhận định gì về hiện tượng này?
- Cái này thì phải kiểm tra lại xem cơ cấu của nó tăng là do cái gì, bởi vì cái trực tiếp (xe nguyên chiếc) và linh kiện không phải tỷ lệ như nhau.
Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bản thân doanh nghiệp đó đã nội địa hoá được mức độ nào, nhập nhiều hay ít cũng tác động đến chi phí.
- Hiện nay đang có sự hiện tượng chuyển giá trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe ô tô, Bộ Tài chính có điều tra hiện tượng này ?
- Bộ Tài chính làm nhiều rồi chứ. Cũng đã kiểm soát giá đầu vào, tham vấn giá với các tổ chức rất nhiều. Loại ra khỏi giá thành rất nhiều khi tính thuế, quyết toán thuế...
Chuyển giá thì dưới nhiều hình thức, Bộ Tài chính đã áp dụng những biện pháp có thể, ví dụ như kiểm soát nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, khống chế bằng rất nhiều các chỉ tiêu..., hiện nay vấn đề này đã đỡ đi rất nhiều.
- Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương rà soát, công khai lộ trình giảm thuế đối với mặt hàng ô tô theo cam kết khi gia nhập WTO. Vì sao đến giờ lộ trình này vẫn chưa công khai ?
- Việc này phải xuất phát từ chiến lược phát triển sản xuất của ngành công nghiệp ô tô. Hiện nay Bộ Công thương đang tổng kết lại lĩnh vực này, Bộ Tài chính chỉ góp phần vào đó thôi. Chính sách thuế là một trong những chính sách để hỗ trợ cho chiến lược đó chứ không phải là thuế có thể làm hết được tất cả, nhất là trong điều kiện hội nhập thì mình phải theo cam kết lộ trình hội nhập.
Bây giờ mình phải đánh giá lại xem trong thời gian vừa qua, sau khi chính sách như thế thì ngành công nghiệp ô tô phát triển như thế nào? Bộ Công thương phải đánh giá, sau đó mới đưa ra được lộ trình xem là sắp tới đây mình có bảo hộ hay là không bảo hộ. Trả lời được câu hỏi đấy, thiết kế thuế sẽ đi theo.
Trước đó, kiến nghị của Bộ Tài chính cho rằng, dù thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã 3 lần điều chỉnh từ mức 60% lên 70%, rồi 83% chỉ trong thời gian ngắn, nhưng song lượng xe nhập khẩu vẫn về nhiều, khiến tình trạng nhập siêu càng thêm căng thẳng.
Do vậy, việc điều chỉnh thuế tăng tiêu thụ đặc biệt lúc này là cần thiết nhằm điều tiết thị trường và thực hiện mục tiêu hạn chế tiêu dùng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đang áp dụng cho mặt hàng ôtô dưới 5 chỗ ngồi sản xuất trong nước với mức thuế suất là 50%, từ 6 đến 15 chỗ ngồi là 30%, từ 16 đến 24 chỗ ngồi là 15%.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chiều qua 13/5 đã ký quyết định tăng thuế đối với mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu thêm 5-10% so với hiện hành. Theo biểu thuế mới, các loại phụ tùng như gương thủy tinh, gương chiếu hậu có thuế suất 33-38%, tùy loại. Các thiết bị truyền dẫn dùng cho phát thanh vô tuyến hoặc truyền hình, có hoặc không gắn máy thu, camera số và camera ghi hình ảnh nền... có thuế suất phổ biến 15-37%. Các mức thuế này áp dụng cho các tờ khai hải quan bắt đầu từ 20/5. Theo Vnxpress |
Lê Minh ( VTC News)