Tonle Sap (Camphuachia) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á nên được người Việt gọi là Biển Hồ. Từ lâu, tại đây đã hình thành một làng người Việt mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá.
Ông Võ Văn Đầy, từng đảm nhận công tác "quản lý" làng người Việt ở Biển Hồ cho biết, tính đến đầu năm 2017, tại đây còn hơn 500 hộ gia đình người Việt sinh sống trên nhà nổi ven hồ. Mỗi hộ có khoảng 10 người.
Tại Biển Hồ hiện có một trường tiểu học dành cho trẻ em người Việt. Trường có 413 học sinh, chia làm 10 lớp, từ lớp một đến lớp năm, dạy theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Ảnh: TRUNG THANH
Học trò ở đây không phải đóng học phí mà còn được nhà trường cho ăn uống, cung cấp sách vở quần áo miễn phí. Ảnh: TRUNG THANH
Hai bé gái này đã 12 tuổi nhưng chỉ mới học đến lớp 2. Hai em cho biết nguyên nhân là do chậm biết bơi nên đi học muộn. Ảnh: TRUNG THANH
Để thích nghi với cuộc sống lênh đênh trên sóng nước và để có "chứng chỉ" nhập học, hầu như đứa trẻ nào ở Biển Hồ cũng phải làm quen với sóng nước khi còn rất nhỏ. Ảnh: TRUNG THANH
Ngoài biết bơi, trẻ em người Việt ở Biển Hồ cũng phải tập chèo xuồng từ bé để theo bố mẹ mưu sinh. Ảnh: TRUNG THANH
Ông Trần Văn Tư (quê Tây Ninh), Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Việt Nam ở Biển Hồ cho biết, hiện trường có 413 học sinh theo học. Nguồn kinh phí duy trì hoạt động dạy học của trường chủ yếu do khách du lịch và các mạnh thường quân hỗ trợ. Ảnh: TRUNG THANH
Đến hết lớp 5, học trò Việt ở Biển Hồ phải nghỉ học vì không còn chương trình để học tiếp. Hầu hết các em phải theo bố mẹ mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Tương lai cũng vô cùng bấp bênh, mờ mịt. Ảnh: TRUNG THANH
Theo ông Ông Võ Văn Đầy, so với những năm trước đây, hiện nay lượng cá tôm ở Biển Hồ giảm đáng kể. Do mưu sinh cũng ngày càng khó khăn, cộng thêm với tâm lý tha hương bất định nên vài năm gần số người Việt rời Biển Hồ trở về nước cũng khá đông.