Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra hiện đang lan rộng trên 20 quốc gia và hơn 24.000 người nhiễm bệnh (phần lớn là tại Trung Quốc), tuy nhiên chủng mới của virus Corona này vẫn chưa được đặt tên chính thức, theo đài BBC.
Đài BBC thông tin ngày 5-2 rằng một nhóm nhà khoa học tại Ủy ban Quốc tế về phân loại virus (ICTV) đang tập trung nghiên cứu và có thể sẽ cung cấp một thuật ngữ chính xác để định danh chủng virus này.
Học giả kiêm trợ lý giáo sư, TS Crystal Watson, thuộc Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ), nói rằng việc đặt tên cho một loại virus mới thường bị gạt sang một bên vì ưu tiên chính là các biện pháp đối phó dịch bệnh đang đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay thế giới vẫn gọi là "2019-nCoV" vì đây là chủng mới của virus Corona và chưa từng xuất hiện trong cơ thể con người. Trong đó, chữ “n” là viết tắt của từ “novel” (mới lạ, chưa từng có); còn “CoV” là tên ngắn gọn của từ “coronavirus” (virus Corona).
Chủng mới của virus Corona hiện đang được gọi là "2019-nCoV". Ảnh: GETTY IMAGES
"2019-nCoV" thuộc một họ virus lớn hơn, được tìm thấy trong động vật và con người. Các loại virus này lây nhiễm cho người, gây các bệnh từ cảm lạnh thông thường cho đến bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Tên gọi tạm thời “nCoV” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, theo TS Watson, đó là một tên gọi khó sử dụng, dẫn đến việc truyền thông và công chúng sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau.
"Và sẽ nguy hiểm hơn nếu không có tên gọi chính thức, nên trước đó một số người đã sử dụng thuật ngữ “China virus” (virus Trung Quốc). Điều này sẽ tạo ra phản ứng dữ dội và sự phân biệt đối với một số cộng đồng dân cư” - ông Watson nói thêm.
Kể cả ngay khi ổ dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát tại TP Vũ Hán của Trung Quốc, truyền thông đã sử dụng tên gọi là virus Vũ Hán, hay Corona Vũ Hán, thậm chí là cúm Vũ Hán (dù đây không phải bệnh cúm).
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra sẽ sớm có tên gọi chính thức. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo kênh truyền hình Channel News Asia, từ năm 2015 WHO đã có hướng dẫn về cách đặt tên cho các bệnh truyền nhiễm, như tên gọi không được bao gồm các vị trí địa lý như thành phố, quốc gia, khu vực hoặc lục địa.
Vì thế những tên gọi cho các dịch bệnh trước đây như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (Mers-CoV), cúm Tây Ban Nha (năm 1918) hoặc viêm não Nhật Bản thì cần tránh trong việc đặt tên cho chủng mới virus Corona.
Ngoài ra, tên gọi cũng nên tránh tên người, loài, nhóm động vật hoặc thực phẩm, một số từ có thể gây ra sự sợ hãi cũng như các yếu tố về dân số, văn hóa, công nghiệp, nghề nghiệp…
Thay vào đó, tên gọi này có thể bao gồm các thuật ngữ mô tả chung về triệu chứng hoặc mô tả cụ thể nhóm tuổi, thời gian phát bệnh, mức độ nghiêm trọng, mùa hay môi trường...
Một giáo sư về ngành virus học thuộc ICTV cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã bắt đầu thảo luận về việc đặt tên cho chủng virus Corona mới khoảng hai tuần trước. Họ sớm gửi tên gọi mới này cho một tạp chí khoa học để xuất bản và hy vọng sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Các nhà nghiên cứu nói rằng tên gọi mới sẽ “thuận miệng và dễ dàng” sử dụng hơn so với thuật ngữ hiện nay, theo Channel News Asia.