Theo hãng tin Reuters, các nghiên cứu được công bố trong tuần này cho thấy rằng biến thể Omicron làm giảm hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19 của vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sau khi tiêm mũi hai, dù mũi ba có thể khôi phục khả năng bảo vệ đó.
Vẫn cần thêm dữ liệu về hiệu quả thực tế của các loại vaccine hiện có trong việc bảo vệ cơ thể của chúng ta trước sự tấn công của chủng Omicron và sau đây là những gì chúng ta vẫn cần biết:
Omicron có gây ra bệnh nặng hơn hay không?
Theo ông John Moore - GS sinh vật học và miễn dịch học tại ĐH Y Weill Cornell, mặc dù một số dữ liệu sơ bộ cho thấy chủng virus mới này gây ra bệnh nhẹ hơn các biến thể trước đó, nhưng vẫn có một số quan điểm trái ngược.
Một số loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có trên thế giới. Ảnh: REUTERS
Để giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể, các nhà khoa học sẽ theo dõi có bao nhiêu người đã được tiêm chủng nhưng vẫn bị nhiễm Omicron và liệu họ có cần nhập viện hay chăm sóc đặc biệt hay không. Việc thu thập dữ liệu thực tế về những người chưa được tiêm ngừa, những người đã tiêm hai liều và cả nhóm người đã tiêm mũi tăng cường là điều thật sự cần thiết.
Ông Shane Crotty - chuyên gia về virus tại Viện Miễn dịch học La Jolla, Mỹ - cho biết cần phải thu thập dữ liệu từ nhiều quốc gia khác nhau vì tình trạng bệnh do chủng Omicron gây ra có thể sẽ khác nhau ở các khu vực khác nhau.
Omicron sẽ thay thế Delta?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện vẫn là biến thể thống trị toàn cầu khi chiếm đến 99,8% các ca nhiễm trên toàn thế giới tính đến ngày 7-12.
"Nếu chúng ta đột nhiên bắt đầu thấy 10% ca nhiễm mới có liên quan đến chủng Omicron, và sau đó nó tăng lên 20% trong tuần tới, điều đó báo hiệu cho chúng ta biết rằng chúng ta đang ở trong một làn sóng mới có thể thay thế biến chủng thống trị hiện có, tương tự việc chủng Delta thay thế Alpha” - GS Moore cho biết.
Ở viễn cảnh khác, chủng Omicron có thể hoạt động giống biến thể Beta khi trước. Theo đó, Omicron có thể chứng tỏ rằng chúng khả năng làm giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện có, nhưng sẽ không bao giờ trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Tiến sĩ Amesh Adalja - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins - cho biết “sẽ rất thú vị” khi xem hai biến thể đó hoạt động như thế nào và khả năng cạnh tranh để trở thành chủng trội toàn cầu của chúng ra sao.
Hiệu quả của những loại vaccine khác đối với Omicron ra sao?
Theo Reuters, các nghiên cứu về vaccine ngừa COVID-19 mới của các hãng Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson cũng đang được tiến hành. Những nghiên cứu đó phân tích tác động của biến thể Omicron đối với các mẫu máu của những người đã bị nhiễm bệnh và đã được tiêm chủng trước đó. Nhiều nhà khoa học cho biết rất có thể những mũi tiêm này cũng giảm hiệu quả đối với biến thể Omicron.
Vaccine của Moderna sử dụng công nghệ tương tự như của Pfizer/BioNTech, nhưng đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ lâu bền hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 đối với các biến thể trước đó. Điều này được cho là nhờ vào vaccine của Moderna có liều lượng cao hơn và khoảng cách giữa các lần tiêm cũng xa hơn. Theo TS Adalja, có thể thấy rằng lượng kháng thể trung hòa do vaccine của Moderna tạo ra ít sụt giảm hơn so với vaccine của Pfizer/BioNTech.
Hãng dược Trung Quốc Sinovac cho biết họ đang tiến hành các nghiên cứu để xác định xem liệu vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt có thể chống lại chủng Omicron không, hay hãng cần phải phát triển vaccine mới.
Trao đổi với đài CNBC, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev, người cho biết có thể mất thêm ba tuần nữa để biết hiệu quả chống lại Omicron của vaccine Sputnik V của Nga.
Nhận định về hiệu quả của vaccine trong việc ngăn nhiễm chủng Omicron, TS Adalja nhận định ông e là hiệu quả của tất cả các loại vaccine hiện có trên thế giới đều bị sụt giảm.