Chiều 21-7 (rạng sáng 22-7 theo giờ VN), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống. Quyết định này kết thúc chiến dịch tái tranh cử của ông Biden và đến sau chuỗi sự kiện liên tiếp thời gian qua.
Tổng thống Biden rút tranh cử trong bối cảnh ông phải chịu áp lực lớn và ngày càng tăng từ bên trong lẫn bên ngoài đảng Dân chủ.
Lo ngại gia tăng nhanh chóng từ sau cuộc tranh luận hôm 27-6 giữa ông với cựu Tổng thống Donald Trump. Các thành viên Dân chủ lo ông Biden sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc tranh cử vào tháng 11 hoặc không đủ khả năng điều hành đất nước thêm 4 năm nữa.
Từ tháng 4 đến tháng 6: Khởi động tranh luận
Ngày 27-4, ông Biden nói với người dẫn chương trình phát thanh Howard Stern rằng ông có dự định tranh luận với ông Trump. Ông Biden tuyên bố khởi động tranh luận bất chấp lo ngại từ các thành viên đảng Dân chủ rằng cuộc tranh luận có thể không đủ để cải thiện cơ hội trong cuộc đua tranh cử của ông, theo hãng tin Reuters.
Theo hãng tin Reuters, đội ngũ tranh cử cùng các trợ lý của ông Biden đã làm việc với đài CNN về việc tổ chức tranh luận. Họ đặt ra các quy tắc của buổi tranh luận theo hướng có lợi cho ông Biden - không có khán giả, không có ứng cử viên bên thứ ba, người điều hành phải là người có thể tin tưởng và có nút tắt tiếng trên micrô. Hai bên đã đồng ý vào ngày 15-5 về việc tổ chức hai cuộc tranh luận, trong đó cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 27-6.
Từ ngày 4-6 đến 27-6: Chuẩn bị cho tranh luận
Ngày 4-6, ông Biden bay sang Pháp dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ ở Normandy trong Thế chiến thứ 2. Đến ngày 13-6, ông tiếp tục bay sang Ý làm việc với lãnh đạo các nước thuộc nhóm G7 và ký kết một thỏa thuận an ninh mới với Ukraine. Ông Biden dành vài ngày sau đó về nghỉ ngơi tại nhà ở bang Delaware (Mỹ). Theo hãng tin Reuters, một số người đã quan sát ông Biden trong giai đoạn này có thể thấy ông tỏ ra mệt mỏi vào giai đoạn cuối chuyến đi châu Âu.
Ngày 21-6, ông Biden và các trợ lý của mình đã đến Trại David, bang Maryland (Mỹ) để chuẩn bị cho cuộc tranh luận ngày 27-6. Tại đây, các trợ lý của Biden đã cung cấp thông tin chi tiết cho ông và thực hiện các cuộc tranh luận giả định trong suốt bảy ngày.
Ngày 27-6: Đêm tồi tệ
Tối 27-6, mặc dù đã có sự chuẩn bị, ông Biden đã nói lắp bắp và mất tập trung trong buổi tranh luận trên CNN với đối thủ là ông Trump. Cách giao tiếp, ngoại hình và giọng nói của ông Biden đã thu hút sự chú ý ngay lập tức của cả nước Mỹ.
Những câu trả lời rời rạc của ông Biden đã khiến cử tri, các nhà tài trợ tranh cử tổng thống và các lãnh đạo đảng Dân chủ ngạc nhiên, theo hãng tin Reuters. Một chiến lược gia của đảng Dân chủ gọi đó là “một thảm họa”.
Màn thể hiện kém của ông Biden đã cho ông Trump cơ hội chỉ trích ông Biden trong buổi tranh luận: "Tôi thực sự không biết cuối câu đó ông ấy nói gì. Tôi không nghĩ ông ấy biết mình đã nói gì".
Từ ngày 27-6 đến 2-7: Áp lực bủa vây
Ngay sau cuộc tranh luận hôm 27-6, ông Biden đã phải đối mặt với áp lực cả trong lẫn ngoài đảng Dân chủ về màn thể hiện không tốt của mình trước ông Trump.
Ngày 2-7, Thượng nghị sĩ Mỹ Lloyd Doggett là đảng viên Dân chủ đầu tiên kêu gọi ông Biden rút tranh cử tổng thống, Reuters đưa tin.
Nghị sĩ Dân chủ Jim Clyburn - người đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng năm 2020 của ông Biden - cũng cho biết vào ngày 2-7 rằng ông sẽ ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris nếu ông Biden rút tranh cử tổng thống năm nay.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - một đồng minh lâu năm của Biden cho rằng việc băn khoăn sau màn trình diễn của ông Biden ở buổi tranh luận là điều không thể tránh khỏi. Bà Pelosi cũng nói rằng cần phải nhanh chóng quyết định xem ông Biden rút tranh cử hay không.
Từ ngày 5-7 đến ngày 8-7: Ông Biden khẳng định vẫn sẽ ở lại cuộc đua
Ngày 5-7, trong cuộc trả lời phỏng vấn quan trọng đầu tiên kể từ sau cuộc tranh luận, ông Biden nói với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC News rằng chỉ có "Chúa toàn năng" mới có thể loại ông khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống năm nay.
Điều đáng lo ngại hơn đối với một số đảng viên Dân chủ là ông Biden cho biết ông có thể chấp nhận ở lại cuộc đua tranh cử tổng thống và thua Trump “miễn là tôi đã cống hiến hết mình và làm tốt công việc mà tôi biết mình có thể làm”.
Từ ngày 9-7 đến ngày 12-7: Nỗ lực bất thành
Áp lực từ các bên buộc ông Biden rút tranh cử ngày càng tăng, nhưng vị đương kim tổng thống vẫn nỗ lực tranh cử. Ông Biden đã trả lời phỏng vấn, tổ chức họp báo và có những bài phát biểu mạnh mẽ trong quá trình vận động tranh cử cũng như tại hội nghị thượng đỉnh NATO với các đồng minh của Mỹ hôm 10-7.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không làm cho áp lực buộc ông Biden rút tranh cử lắng xuống. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ) vào ngày 10-7, ông Biden trong lúc phát biểu đã nhầm lẫn tên của Phó Tổng thống Harris với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump, cũng như tên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi Nga và Ukraine là hai quốc gia đang có xung đột với nhau.
Nhầm lẫn trên tăng thêm áp lực buộc ông Biden rút tranh cử.
Mặc dù vậy, theo hãng tin Reuters, một nhóm trợ lý thân cận nói rằng ông Biden chưa lay chuyển, vẫn tin rằng mình là ứng cử viên sáng giá nhất để đối đầu với ông Trump trong cuộc đua tranh cử tổng thống năm nay, rằng ông có thể phục hồi sau thất bại này như đã từng làm rất nhiều lần trước đây.
Ngày 13-7: Cơ hội của ông Trump
Ngày 13-7, ông Trump bị ám sát hụt khi đang phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania (Mỹ). Những bức ảnh vị cựu tổng thống giơ nắm đấm thách thức lên không trung với lá cờ Mỹ ở ngay sau được chiếu rộng rãi, thu hút sự chú ý của toàn nước Mỹ và thế giới.
Sau đó, ngày 17-7, theo hãng tin Reuters, ông Biden nhiễm COVID khi đang vận động tranh cử tổng thống ở Nevada. Trong lúc hồi phục sức khỏe tại quê nhà ở Delaware (Mỹ), ông Biden đã có thời gian để quyết định xem có nên kết thúc chiến dịch tranh cử của mình hay không và bằng cách nào.
Ngày 21-7: Quyết định cuối cùng
Chiều 20-7, theo tờ The New York Times, ông Biden đã yêu cầu ông Steve Ricchetti - một trong những cố vấn thân cận nhất và ông Mike Donilon - chiến lược gia trưởng của tổng thống đến nhà riêng ở Delaware (Mỹ) để bàn thảo về việc ông Biden rút tranh cử. Ba người bàn bạc, và đến tối, quyết định ông Biden rút tranh cử được đưa ra.
Cả ba sau đó đã soạn thảo một trong những bức thư quan trọng và mang tính lịch sử nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden – quyết định rút khỏi chiến dịch tái tranh cử năm 2024.
Sáng 21-7, ông Biden hoàn tất quyết định của mình và đã gọi điện riêng cho ba người khác để thông báo, gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeffrey D. Zients và Chủ tịch chiến dịch tranh cử Jen O'Malley Dillon.
Lúc 1 giờ 45 chiều 21-7 (rạng sáng 22-7 theo giờ VN) – một phút trước khi đăng lá thư rút tranh cử lên nền tảng mạng xã hội X, ông Biden đã nói chuyện với Nhà Trắng và các cố vấn chiến dịch cấp cao nhất của ông về quyết định của mình. Ông Biden đã đọc bức thư và cảm ơn các trợ lý của mình. Cuối cùng, vào lúc 1 giờ 46 ngày 21-7, ông Biden đã đưa ra thông báo rộng rãi với thế giới qua nền tảng mạng xã hội X, tuyên bố rút tranh cử tổng thống.
Theo tờ The New York Times, việc thông báo ông Biden rút tranh cử thông qua mạng xã hội đã giúp ông có khả năng thực hiện việc rút lui “theo cách của mình”, tránh được những âm mưu đã cản trở chiến dịch tranh cử của ông trong những tuần gần đây.
Sau khi đưa ra tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tái tranh cử của mình, ông Biden đã đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris cho vị trí ứng viên của đảng Dân chủ để đối đầu với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.
Theo Reuters, với quyết định rút tranh cử, ông Biden trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên rút khỏi chiến dịch tái tranh cử kể từ sau quyết định tương tự của Tổng thống Lyndon B. Johnson vào năm 1968.