“Bốn em chưa từng có tiền án tiền sự, chỉ vì mê chơi game. Bốn em còn quá trẻ, mấy đứa nhỏ rủ nhau đi chơi rồi nảy sinh lòng tham, đi cướp giật người ta để kiếm tiền tiêu xài. Đối tượng không manh động…”, trinh sát đặc nhiệm ngậm ngùi.
Hai anh em sinh đôi đi cướp giật
Án đã phá, bốn nghi can tham gia vụ cướp giật đã bị bắt, tài sản cũng được thu hồi kịp thời để trả lại nạn nhân nhưng nụ cười chưa một lần xuất hiện trên gương mặt trinh sát.
Tang vật thu giữ được.
Chiều 26-2, Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự) phối hợp cùng Đội Cảnh sát hình sự công an quận 10 truy bắt, lập hồ sơ bàn giao: Huỳnh Tấn H, Huỳnh Tấn V, Nguyễn Đức T và Lê Thanh Tiến (17 tuổi), cho công an phường 8 quận 10 để tiếp tục điều tra về hành vi cướp giật tài sản.
Mỗi cậu nhóc ngồi riêng một góc để lấy lời khai. Lớn tuổi nhất trong nhóm là Lê Thanh Tiến (17 tuổi), còn lại mới chỉ 15 tuổi mấy tháng có lẻ. Tiến cầm lái, H giật, V và T làm nhiệm vụ cản địa. Trong đó, H và V là hai anh em sinh đôi.
Sau khi trả lời xong câu hỏi của điều tra viên, V nằm úp xuống mặt ghế, cắn móng tay liên tục. H ngồi thu lu một góc, im lặng. V kể chuyện hai anh em đã nghỉ học từ lâu vì “em học hết nổi nên em nghỉ thôi chị”.
Tai nạn, chết người vì cướp giật
Chuyện bắt đầu từ trưa 26-2, bốn người chia thành 2 cặp chạy xe máy. Đến đường Bà Hạt (Quận 10), phát hiện người phụ nữ đeo giỏ xách, Tiến chở H áp sát để H giật phăng chiếc túi sách của người phụ nữ rồi tăng ga tẩu thoát.
T chở V có nhiệm vụ cản địa, khi phát hiện công an, lực lượng truy đuổi thì tri hô, báo động khẩn.
Phương tiện thu giữ tại cơ quan điều tra.
Điều cả bốn thanh niên trẻ không ngờ là mọi hành vi đều rơi vào tầm ngắm của trinh sát đặc nhiệm và hình sự quận 10 trước đó. Các anh mặc thường phục và đã đeo bám nhóm từ trước đó gần hai tiếng đồng hồ suốt từ quận 10, quận 1, quận 3, quận 5 rồi vòng lại quận 10…
Ngay khi phát hiện vụ việc, cả hai tổ tuần tra tăng ga truy đuổi. Người bám sát đối tượng, bắt bằng được, người mời nạn nhân về công an làm việc. Chạy đến đường Nguyễn Tiểu La (phường 8, quận 10) thì tổ tuần tra tóm gọn cả bốn cùng toàn bộ phương tiện tang vật.
“Anh em bắt đầu đi tuần tra từ 8h sáng, tầm 10h thì phát hiện nhóm này. Các em còn quá trẻ, là bộc phát nảy sinh lòng tham nên đi cướp giật. Vụ cướp giật không thành do người phụ nữ nhanh tay giằng co giật lại được túi xách”, trinh sát đặc nhiệm kể chuyện.
Nhưng án cướp giật xử lý dựa trên hành vi chứ không phải là giá trị tài sản, giật thành hay chưa thành. Cướp giật dù chỉ một cái bánh mì cũng đủ cấu thành tội cướp giật tài sản. Rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra vì hành vi cướp giật.
Chị T từng là một nạn nhân của một vụ cướp giật hụt. Không bị thiệt hại nhiều về tài sản nhưng cú giật đã khiến chị bị thương nặng: chân trái bị gãy, phải mổ và gắn nẹp vào chân. Suốt một thời gian dài, chị phải ở nhà điều trị, chiếc xe máy cũng bị hư hỏng nặng. Trong 6 tháng đến một năm sau đó, chị phải tiếp tục mổ lại chân một lần nữa.
Gần đây nhất, câu chuyện hai cô gái mang túi xách bị cướp giật ở phường 22, quận Bình Thạnh dẫn tới một người tử vong, một người bị gãy xương hàm, trật khớp tay vẫn là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây.
Con cái mới là tài sản lớn nhất của cha mẹ
Trước đó trao đổi với chúng tôi về vấn đề tội phạm cướp giật ngày càng trẻ hóa, Trung tá Mai Thống Nhất (Đội trưởng đội Hình sự đặc nhiệm) cho biết, hơn 30 năm trong nghề hình sự, không nhớ hết đã phá bao nhiêu chuyên án cướp giật nhưng có những người sa vào vòng tù tội từ khi tuổi đời còn quá trẻ khiến ông ám ảnh.
Con cái mới là tài sản lớn nhất của cha mẹ.
“Không chỉ có bần cùng sinh đạo tặc mà thực tế nhiều gia đình giàu có cha mẹ vì mải mê kiếm tiền, con kết bạn với người xấu không biết, con bỏ học đàn đúm bạn bè rồi đi cướp giật lúc nào cũng không hay. Nhiều phụ huynh đến bảo lãnh cho con không biết con mình thiếu gì mà đi cướp giật” – Trung tá Nhất ngậm ngùi.
Khẳng định gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến con cái, ông nói: Đây phải là cái nôi đầu tiên dạy con, đừng để con hư mới đẩy ra ngoài cho xã hội dạy.
“Trước đây chưa có game, mạng xã hội… nên cách dạy con cũng khác. Tuy nhiên, có khác gì thì cái gốc “con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ” vẫn không thay đổi. Đừng lấy lý do bận công việc mà không quan tâm. Tôi là lính hình sự, đi suốt vì công việc nhưng về đến nhà, dù có mệt đến đâu cũng cố gắng xem con đã học bài chưa, đã làm hết bài tập chưa… Chừng ấy thôi, con cái đã cảm nhận sự quan tâm của cha mẹ” - ông kể chuyện.
Màn đêm dần buông xuống. Hồ sơ cũng đã hoàn tất. Nhưng câu chuyện sau mỗi vụ án cướp giật luôn là nỗi ám ảnh, nhất là những đứa trẻ chỉ vì phút bồng bột nhất thời này sinh lòng tham….