Chuyến thăm của Tổng thống Putin nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nga

(PLO)- Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa và nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nga trong tình hình mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đêm 19, rạng sáng 20-6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Liên bang Nga đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 20-6, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo TTXVN.

Chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam là hoạt động đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga (1994-2024) và tiến tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm 2025.

Putin tới Việt Nam.jpeg
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Chuyến thăm nhiều thông điệp

Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đánh giá rằng chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm quan hệ trong tình hình mới. Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.

Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, việc Tổng thống Putin tới Việt Nam còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Điều này góp phần củng cố tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của quan hệ hai nước trong tương lai, TTXVN đưa tin.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam
Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Ảnh: REUTERS

Cạnh đó, chuyến thăm cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương, bao gồm thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đến năm 2030.

Cũng bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhận định rằng sự kiện này sẽ “tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga - Việt Nam trong nhiều lĩnh vực”. Trong đó, trọng tâm là tăng cường tương tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, trao đổi nhân đạo và tất nhiên là cả quốc phòng và an ninh.

Trong những năm qua, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp, nhanh chóng, toàn diện. Đây là một mô hình trong quan hệ hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, phù hợp với lợi ích vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị hai nước được nâng cao thông qua các chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao, theo TTXVN.

“Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Chúng ta có lịch sử chung phong phú, kinh nghiệm hợp tác sâu rộng trong hầu hết các lĩnh vực, đối thoại chính trị sâu rộng, trao đổi nhân văn năng động, các giá trị và định hướng phát triển tương đồng. Đó là cơ sở để tiếp tục củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” - Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko.

Còn nhiều dư địa hợp tác

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Nga hiện nay luôn bền vững và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã từng bước đưa quan hệ song phương lên các cấp từ Đối tác chiến lược đến Đối tác chiến lược toàn diện.

Về tiềm năng hợp tác song phương, Đại sứ Bezdetko cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa mối quan hệ hợp tác này. Theo Đại sứ Bezdetko, phía Nga mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất công nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, cũng như thực hiện nhất quán các thỏa thuận ở các cấp.

tong-thong-nga-putin-tham-vietnam-6-2024.png
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Putin tại Hà Nội tháng 11-2013. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Bezdetko cho biết Nga rất coi trọng những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử cacbon cho nền kinh tế.

“Nga với tư cách là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực điện “sạch”, tin cậy và ổn định, trước hết là điện hạt nhân – đây là điều được nhiều nước châu Á lựa chọn làm giải pháp thay thế các nguồn năng lượng truyền thống” - Đại sứ Nga khẳng định.

Cạnh đó, Nga cho rằng một số nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết đó là là đảm bảo hòa bình và an ninh theo nghĩa rộng; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy; những thách thức và mối đe dọa hiện có và đang nổi lên trong thời đại này.

Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, một trong những lĩnh vực giúp quan hệ hai nước ngày càng bền chặt là hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Trong những năm qua, nhiều chương trình giao lưu văn hóa, đã được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và người dân hai nước gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Các tuần lễ văn hóa Nga tại Việt Nam và Việt Nam tại Nga đã trở thành những sự kiện thường niên, thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của người dân.

Hai bên đã tích cực hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nhất là ở bậc đại học. Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1000 suất/năm và hai nước cũng đã thành lập liên minh các trường đại học kỹ thuật. Theo Đại sứ Nguyễn Minh Khôi, để “giữ lửa” tình hữu nghị Việt Nam - Nga, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, bao gồm mạnh các chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa, giáo dục, là vô cùng cần thiết.

Thành tựu trong hợp tác Việt Nam - Nga

Kể từ khi hai nước thiết lập đối tác chiến lược vào năm 2001, quan hệ hai nước ngày càng phát triển toàn diện và đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.

Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, thông qua các hình thức và cơ chế hợp tác chính trị đa dạng như thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, giúp lãnh đạo hai nước trao đổi thông tin và kịp thời chỉ đạo phát triển quan hệ song phương.

Hai bên đã thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế như họp Ủy ban Liên chính phủ, Tham vấn chính trị thường niên, Đối thoại chiến lược góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác mọi mặt. Việt Nam và Nga luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)...

Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch song phương tăng từ 10-15%/năm, là kết quả của việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU). Mặc dù thế giới có nhiều biến động, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỉ USD.

Về đầu tư, Nga có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên mức 3 tỉ USD năm 2023.

Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Nga với các dự án lớn.

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương... ngày càng được mở rộng, trong đó hợp tác khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm