Nhiều khả năng các ủy viên Bộ Chính trị khóa XI tái cử vào Trung ương khóa XII sẽ được tái cử tiếp vào Bộ Chính trị nhằm đảm bảo tính kế thừa, liên tục ở bộ máy lãnh đạo cao nhất.
Trước đó, chiều 26-1, Đại hội XII đã hoàn tất phần công việc quan trọng nhất là bầu ra BCH Trung ương khóa XII với 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Tất cả đều nằm trong danh sách giới thiệu của Trung ương khóa XI (199 ứng viên cho ghế ủy viên chính thức, 22 ứng viên cho ghế dự khuyết).
Thông tin mà Pháp Luật TP.HCM nắm được là không có ứng viên nào thuộc danh sách do các đại biểu đại hội đề cử bổ sung mà trúng cử. Điều này cũng không bất ngờ bởi ở Đại hội XI, trong số nhiều ứng viên bổ sung chỉ có một trường hợp rất đặc biệt trúng cử.
Phân nhóm các ủy viên chính thức theo chức danh thì có 29 vị thuộc khối các ban đảng và cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị, BCH Trung ương mà chức vụ cao nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các ông Trần Quốc Vượng - Chánh văn phòng Trung ương, Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nằm trong số này. Cùng nhóm còn có nhiều vị là phó trưởng các ban đảng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN
Trong khối Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ có 33 người trúng cử. Ngoài Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các phó thủ tướng còn lại đều tái cử vào khóa XII này (gồm ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Hoàng Trung Hải). Cùng nhóm có thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm bộ trưởng và 15 thứ trưởng các bộ, ngành. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là một trong bốn trường hợp được Trung ương giới thiệu tái cử theo diện “đặc biệt” vì quá tuổi đã không qua được phiên bầu cử tại đại hội. Thay vào đó, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy được bầu vào ủy viên trung ương khóa này.
Cũng liên quan đến khối này có một trường hợp đáng chú ý là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không trúng cử khóa này dù bà còn đủ điều kiện về độ tuổi và được Trung ương khóa XI giới thiệu tái cử. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được đại biểu đề cử bổ sung cũng không trúng cử. Ngoài ra, có một ủy viên dự khuyết trung ương khóa XI trượt tái cử trong Đại hội XII này.
Ở khối tư pháp, cả Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đều tái cử vào khóa XII.
Ở khối các cơ quan của Quốc hội có 13 người trúng cử. Trong số này có một số gương mặt mới lần đầu vào Trung ương như bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Bà Nga khá nổi trên nghị trường thời gian qua; bà Nguyễn Thanh Hải - PGS-TS ngành vật lý, hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Giống các nhiệm kỳ trước, khối quốc phòng-an ninh nắm khá nhiều ghế trong BCH Trung ương mới được bầu. Trong đó quân đội có 21 tướng lĩnh gồm năm vị là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các vị khác là người đứng đầu các cơ quan trọng yếu như Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, năm thứ trưởng, bảy quân khu và hai quân chủng hải quân với phòng không-không quân. Lực lượng công an, cùng với Đại tướng Trần Đại Quang tái cử còn có một số thứ trưởng khác vào Trung ương XII. Theo phương án đề xuất của Trung ương khóa XI, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang sẽ ứng cử vào vị trí Chủ tịch nước tới đây.
Khối các địa phương thì danh sách trúng cử lần này có 68 vị, là bí thư, phó bí thư của 63 tỉnh/thành. Trong số này Hà Nội có hai vị trúng cử, TP.HCM có bốn vị vào ủy viên chính thức BCH Trung ương XII. Trẻ tuổi nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang và ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cùng sinh năm 1976.
Trong số 20 ủy viên trung ương dự khuyết khóa XII có chín vị là phó bí thư, phó chủ tịch cấp tỉnh; bảy vị là bí thư cấp huyện, trong đó có ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Quận ủy quận 2, TP.HCM.
Kết quả bầu cử thể hiện tinh thần dân chủ, sự thống nhất ý chí Đánh giá về kết quả bầu cử BCH Trung ương Đảng khóa XII, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng kết quả này thể hiện tinh thần dân chủ, sự thống nhất ý chí, sự quan tâm đến vấn đề kế thừa và trong sạch của bộ máy, thể hiện sự đổi mới và trẻ hóa cán bộ. Dân chủ trong sinh hoạt Đảng, dân chủ ở đại hội có những tiến bộ mới so với trước đây. Đại hội đã giới thiệu những người không có danh sách đề cử, đó là bước mở rộng dân chủ, đây là vấn đề lớn và trong các nghị quyết, báo cáo gần đây, Đảng ta đã chú ý vấn đề đó. Phần lớn nhân sự do Trung ương giới thiệu đã được đại hội chấp nhận, chứng tỏ sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, có tính hợp lý. BCH khóa mới có sự đổi mới về thành phần so với BCH khóa cũ. Phần lớn các tỉnh, TP đều có đại diện tham gia Trung ương lần này vì đây là các cán bộ lãnh đạo địa phương, điều này thể hiện tính đại diện để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Trung ương. Đó là việc hết sức hợp lý. Theo ông Hoàng, trong đại hội, việc tái đắc cử và không tái đắc cử là hết sức bình thường. Các bộ, ngành không có lãnh đạo là ủy viên Trung ương Đảng, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ xem xét, quyết định. Trả lời câu hỏi “Ngày mai sẽ bầu cử Bộ Chính trị, ngoài danh sách Trung ương giới thiệu trước đó thì BCH mới có được giới thiệu thêm nhân sự cho Bộ Chính trị mới không?”. Ông Hoàng cho hay: “BCH mới hoàn toàn có quyền giới thiệu. Danh sách của BCH cũ chỉ được BCH mới tham khảo, nghiên cứu. BCH mới quyết định danh sách bầu cử. Sau đó BCH Trung ương XII bỏ phiếu và lấy theo kết quả này”. TP.HCM: Bốn ủy viên chính thức, một dự khuyết - Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, sinh năm 1970. - Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM, sinh năm 1962. - Ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, sinh năm 1971. - Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thành ủy viên, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sinh năm 1962. - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Quận ủy quận 2, TP.HCM, sinh năm 1976. |
Kỳ vọng vào BCH Trung ương khóa XII PGS-TS NGUYỄN LÊ NINH, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM: Người lãnh đạo vì dân thì dân mãi không quên Có tâm và tầm là kỳ vọng lớn nhất của tôi đối với BCH Trung ương khóa XII. Tôi kỳ vọng những người lãnh đạo đất nước phải đặt Tổ quốc và dân tộc trên hết nhưng không sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Những người lãnh đạo đất nước phải làm cho đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới, người dân được ấm no và hạnh phúc. Người lãnh đạo đất nước phải là người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Người lãnh đạo phải là người dẫn đường cho nhân dân đi theo, cho đất nước phát triển. Nhân sự được bầu vào khóa mới phải biết hy sinh những lợi ích cá nhân để đưa lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. Trong lịch sử dân tộc đã chứng minh nếu người lãnh đạo vì dân thì nhân dân suốt đời sẽ không quên. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng, cũng như Bác Hồ hay những anh hùng dân tộc... đã vì nhân dân hy sinh nên không bao giờ dân quên. Tôi cũng kỳ vọng vào Đại hội Đảng lần này là phải đổi mới về mặt khả năng lãnh đạo. GS BÙI ĐÌNH THANH (Viện Xã hội học): Hãy hành động mạnh mẽ, nhân dân sẽ sát cánh Trong đại hội này, hàng chục vạn ý kiến của người dân đã đóng góp và gửi đi nhiều thông điệp tới đại hội, tôi thấy tinh thần đó đúng với câu nói “ý Đảng lòng dân”, điều này được thể hiện rất đậm đà. Trong năm năm vừa qua, đất nước ta đã trải qua những lúc rất khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề đối ngoại. Đối với vấn đề biển Đông, Đảng ta rất quyết tâm xử lý vấn đề đó, bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, thể hiện quyết tâm rất lớn dựa trên sức mạnh đoàn kết của toàn quân, toàn dân ta. Lịch sử cũng cho thấy ở những thời điểm lịch sử như thế càng tôi luyện ý chí của toàn dân, toàn quân ta. Tôi rất tin tưởng BCH Trung ương XII cần phải tiếp tục thể hiện thái độ mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Kỳ vọng của dân chúng cần được Đảng hiện thực hóa trên thực tiễn, đó là yếu tố tiên quyết để gầy dựng lòng tin ở dân chúng. Khi BCH Trung ương Đảng là những người hành động mạnh mẽ thì tôi cũng tin tưởng toàn quân, toàn dân ta luôn sát cánh cùng Đảng. T.Lâm - V.Thịnh ghi |