Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu kể lại như trên tại buổi làm việc với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội liên quan đến việc thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn TP, ngày 25-7.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm ma túy ngày càng chuyên nghiệp hơn, tổ chức thành những đường dây khép kín, chặt chẽ…
Theo kết quả rà soát, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại TP.HCM gia tăng bình quân hơn 17%/năm (nếu năm 2009 chỉ có 9.467 người nghiện thì đến năm 2016 tăng lên 21.172 người). Tổng số người nghiện ma túy được đưa vào các cơ sở cai nghiện cũng tăng lên qua từng năm. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện của TP đang quản lý gần 11.000 người.
Để làm tốt hơn công tác quản lý người nghiện, TP.HCM đã kiến nghị với Trung ương nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định xử lý, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho rằng với cách làm như hiện nay thì người nghiện ở TP.HCM sẽ rất khó giảm. Ảnh: TL
Các đại biểu đoàn giám sát đặt vấn đề: Tại sao người nghiện ở TP.HCM ngày càng tăng và tăng ở mức cao như thế?
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho rằng nguyên nhân là do quy trình, tư duy luật hiện nay không đưa số người nghiện đó vào trường giáo dục được nên mới tăng. Theo bà Thu, gần đây trên một số báo đài khuếch trương việc cai nghiện cộng đồng thành công, nhưng thực tế cai nghiện ở cộng đồng rất khó. “Nếu cứ tiếp tục với cách này người nghiện không giảm được mà chỉ có tăng”- bà Thu nói.
Phó chủ tịch UBND TP cũng chia sẻ, bà đã đi trực tiếp 13 trung tâm, trường cai nghiện và thấy rằng, có học viên tái nghiện 10 lần, có người hơn 60 tuổi vẫn còn cai nghiện. “Tôi hỏi các em có biết nghiện ma túy sẽ đánh mất tuổi trẻ, tương lai của các em hay không. Các em nói biết hết. Có em nói rằng: con chỉ cần đi ngang cái chỗ ngày xưa con mua thuốc là con muốn nghiện trở lại liền”- bà Thu thuật lại.
“Tôi cũng hỏi các em, nếu cho thêm thời gian được ở lại đây để cai nghiệm chấm dứt nghiện ma túy thì các em nghĩ sao. Có em rất mong được như thế. Nhưng cũng có em nói rằng chỉ có bỏ đi xứ khác thì mới không tái nghiện trở lại, chứ trở về cộng đồng là tái nghiện ngay, bằng chứng là em này đã sáu lần tái nghiện. Thời gian cai nghiện ở trường 1 năm đến 1 năm rưỡi không thể nào chấm dứt nghiện được. Mình phải đi vào thực tế mới thấy được điều đó. Cho nên làm luật phải hiểu được cơ sở, chứ không hiểu thì rất khó” – bà Thu nói và khẳng định trước đây tỷ lệ nghiện ở TP.HCM giảm rất đáng kể, nhưng bây giờ rất khó giảm.
Do đó, bà Thu mong đoàn giám sát báo cáo với Quốc hội để gỡ vướng không chỉ cho TP.HCM mà còn cho các tỉnh thành khác vì theo bà Thu, những chính sách pháp luật hiện nay có nhiều vấn đề chưa sát với thực tế.