Ngày 1-7, tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện chương trình "lao động kỹ năng đặc định" giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hợp tác lao động.
So với visa lao động thực tập sinh thì visa kỹ năng đặc định có nhiều ưu đãi và thời hạn làm việc cao hơn, các yêu cầu về bằng cấp, chuyên môn cũng cao hơn.
Lễ ký có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cùng đại diện các bộ ngành có liên quan của hai nước.
Chương trình kỹ năng đặc định cho phép tiếp nhận 345.000 lao động trong vòng năm năm tới để làm việc trong 14 nhóm ngành nghề gồm: nông nghiệp, điều dưỡng, chế tạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, đóng tàu, ngành khách sạn, nhà hàng, đánh cá, vệ sinh tòa nhà, chế tạo máy, điện điện tử, kỹ thuật ô tô, hàng không, gia công nguyên liệu.
So với chương trình thực tập sinh kỹ năng, chương trình kỹ năng đặc định cho phép người lao động cư trú và làm việc lâu hơn (5 năm) tại Nhật. Ảnh: P.ĐIỀN
Theo ghi nhận của phóng viên PLO, trước đó khi hai quốc gia chưa ký MOC, đã có một trường hợp người Việt đầu tiên sang Nhật làm việc theo chương trình kỹ năng đặc định từ ngày 17-6.
Đó là anh Vũ Đình Diệp, 32 tuổi, sau khi hết hạn hợp đồng ba năm thuộc chương trình thực tập sinh (TTS) đã được Công ty cổ phần Osawa, thành phố Toyama tiếp nhận làm việc từ ngày 17-6-2019, với thời hạn năm năm.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông tin thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Nhật Bản và Việt Nam để thực hiện kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề và năng lực tiếng Nhật của ứng viên, nhằm đưa nguồn nhân lực có kỹ năng đặc định của Việt Nam tới Nhật Bản một cách thích hợp nhất.