Người Việt đầu tiên sang Nhật theo chương trình visa 5 năm

Ông Juji Suzuki, đại diện Công ty Japan Human Support Union đã thông tin như vậy với đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cho biết các cơ quan truyền thông, báo chí của Nhật Bản đã chạy tin liên tục về người lao động Việt Nam đầu tiên đã sang Nhật làm việc theo chương trình kĩ năng đặc định (visa mới) kể từ khi luật này có hiệu lực (1-4-2019).

Visa đầu tiên dành cho lao động Việt

Cụ thể anh Vũ Đình Diệp, 32 tuổi, sau khi hết hạn hợp đồng ba năm thuộc chương trình thực tập sinh (TTS) đã được Công ty cổ phần Osawa, thành phố Toyama tiếp nhận làm việc từ ngày 17-6-2019, với thời hạn năm năm.

Như vậy mặc dù giữa Việt Nam và Nhật chưa chính thức công bố kí kết hiệp định về chương trình kĩ năng đặc định, nhưng đã có trường hợp người Việt đầu tiên sang Nhật làm việc.

“Đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên người Việt Nam đã được cấp visa theo chương trình kĩ năng đặc định”, ông Juji Suzuki bình luận.

Vậy loại visa mới này người lao động khi đến Nhật làm việc được hưởng lợi gì?Ông Juji Suzuki cho hay không chỉ lao động Việt Nam mà lao động các nước khi nhập cảnh vào Nhật làm việc sẽ được hưởng chính sách tiền lương, phụ cấp, chăm sóc y tế, không gian làm việc như người Nhật.  

Trong khi đó với chương trình thực tập sinh hiện tại các thực tập sinh cùng làm chung và hưởng mức lương tối thiểu, điều kiện chăm sóc y tế thấp hơn.

Đáng chú ý với chương trình visa mới này người lao động có thể 'nhảy' việc khi điều kiện làm việc không tốt, bị chủ phân biệt đối xử, còn chương trình TTS thì hoàn toàn không được phép.

Với kinh nghiệm 15 năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự và chương trình TTS, ông Juji Suzuki đánh giá loại visa mới này sẽ giúp Nhật có đội ngũ lao động có tay nghề, kĩ năng làm việc tốt để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngược lại phía người lao động cũng được thụ hưởng các chính sách phúc lợi tốt hơn, điều kiện làm việc tiêu chuẩn, có mức lương ngang bằng người bản địa.

Cụ thể chương trình kĩ năng đặc định cho phép tiếp nhận 345.000 lao động trong vòng năm năm tới để làm việc trong 14 nhóm ngành nghề gồm: Nông nghiệp, điều dưỡng, chế tạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, đóng tàu, ngành khách sạn, nhà hàng, đánh cá, vệ sinh tòa nhà, chế tạo máy, điện điện tử, kỹ thuật ô tô, hàng không, gia công nguyên liệu.

Trước mắt sẽ thu hút thực tập sinh hết hạn hợp đồng ba năm, sau đó sẽ mở rộng cho lao động mới đăng kí tham dự chương trình làm việc năm năm.

Tổ chức thi nghề, tiếng Nhật tại 9 nước

Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, bình quân mỗi năm phía Nhật sẽ tổ chức sáu đợt thi tiếng và tay nghề. Các kì thi này được tổ chức tại Nhật và chín nước khu vực Đông Nam Á gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Mông Cổ, Mianma, Campuchia, Nepal và Thái Lan.

Đặc biệt thời gian tiếp nhận và cấp visa rất ngắn, khoảng một tháng rưỡi kể từ khi vượt qua kì thi tiếng và tay nghề. Còn kết quả kì thi sẽ công bố trong vòng ba tuần. Yêu cầu chung người lao động đạt trình độ tiếng Nhật N4.

Ông Juji Suzuki đánh giá, hiện hai ngành xây dựng và điều dưỡng Nhật rất khó tuyển được lao động trong nước. Hai ngành này có nhu cầu tiếp nhận 100.000 lao động, trong đó ngành điều dưỡng là 60.000, ngành xây dựng 40.000 người. Bình quân mỗi năm ngành điều dưỡng cần 5.500 lao động.

Kế đến là hai ngành khách sạn, nhà hàng cũng có nhu cầu tiếp nhận 90.000 lao động, theo đó dù mới triển khai thi tiếng và tay nghề với nhu cầu tiếp nhận 360 lao động từ Việt Nam nhưng đã có hơn 7.000 người đăng kí tham dự.

Tương tự nghề vệ sinh các tòa nhà cũng có hàng trăm lao động đăng kí.

Dù chương trình khá thông thoáng, lương hấp dẫn, phúc lợi tốt nhưng phía Nhật Bản cũng lưu ý, sẽ không tiếp nhận thực tập sinh, du học sinh vi phạm pháp luật tại Nhật; du học sinh, thực tập sinh bỏ trốn.

Theo hệ thống thị thực mới, người lao động nước ngoài sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại 1 không đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm cao, trong khi loại 2 dành cho nhóm làm việc cần kỹ năng cao hơn. Để có được thị thực loại 1, có giá trị tối đa năm năm, người lao động phải vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật.

Những người đã trải qua chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài hơn ba năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản.

Loại thị thực thứ 2 có mức khung yêu cầu cao hơn. Người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao và được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.

Thị thực loại 1 sẽ được cấp cho nhóm lao động thuộc 14 lĩnh vực, trong khi loại 2 dự kiến sẽ chỉ giới hạn trong hai lĩnh vực gồm xây dựng và đóng tàu.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm