Cơ hội rất lớn cho nông sản Việt Nam

Người ta có thể không mua ô tô trong 10 năm, không mua quần áo trong ba năm nhưng không thể không ăn uống trong ba ngày. Dù khó khăn nhưng đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, nhận định như trên tại phiên họp online với chủ đề “Chương trình hành động và giải pháp trong đại dịch COVID-19” diễn ra ngày 2-4. Phiên họp này do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức.

Bất chấp COVID-19, nhiều công ty vẫn tăng trưởng cao

Tại phiên họp, nhiều giải pháp đã được đưa ra bàn bạc để các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp vượt qua và phát triển mạnh mẽ trong đại dịch đang gây khủng hoảng trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods, chia sẻ tập đoàn đã chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của dịch COVID-19. Khủng hoảng đầu tiên chính là tinh thần, sau đó là vận tải, thị trường. Để vượt qua được, lãnh đạo tập đoàn quán triệt mọi lao động trong công ty đều phải bình tĩnh, tin tưởng và thấu hiểu.

Hàng loạt giải pháp khác cũng được thực hiện như đích thân chủ tịch HĐQT gửi thư cho các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, nhà cung cấp để mọi người cùng thấu hiểu... “Kết quả là trong quý I-2020, kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Hùng thông tin.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông cũng cho hay công ty ông có thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản như cà phê, hạt tiêu, quế, hồi… “Đại dịch COVID-19 là cơ hội khiến tăng trưởng xuất khẩu của công ty tăng thêm 120%-130%. Ba tháng đầu năm, công nhân vẫn phải làm 1-2 ca để đảm bảo sản lượng xuất khẩu” - ông Thông khẳng định.

Lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh cho biết để đứng vững được trong đại dịch lần này là nhờ chiến lược phát triển bền vững của công ty trong suốt hàng chục năm qua. Đơn cử như thay vì mua hàng qua trung gian, công ty đẩy mạnh thu mua trực tiếp với nông dân; xây dựng các nhà máy ở nhiều tỉnh, thành để đảm bảo nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

Đặc biệt, công ty đẩy mạnh đa dạng hóa nhiều thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ, Trung Đông; tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ... Chính vì vậy, đợt dịch này công ty không lo lắng về chuyện bị hủy đơn hàng như nhiều đơn vị khác, vấn đề thanh toán cũng được hỗ trợ rất nhiều.

Ngoài ra, nhờ áp dụng công nghệ, xây dựng các hệ thống phần mềm quản lý từ rất sớm nên khi dịch xảy ra, công ty hoàn toàn không bị động khi chuyển sang làm việc online.

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều công ty nông nghiệp vẫn ăn nên làm ra. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu về nông sản Việt. Ảnh: QUANG HUY

Cần sự tiếp sức từ Nhà nước, ngân hàng

Tuy vậy, do tác động của dịch COVID-19, không phải DN nông nghiệp nào cũng vượt qua và tận dụng được lợi thế để phát triển. Ngoài thị trường, nguồn nguyên liệu, vận tải thì một trong những khó khăn được DN nhắc đến đầu tiên hiện nay là vấn đề tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Trong bối cảnh này, gần như các DN đều thiếu vốn. Tuy nhiên, con số mấy trăm ngàn tỉ từ gói hỗ trợ của Chính phủ rất khó để xuống được các công ty như chúng tôi. Đơn hàng có, nguyên liệu có, giá nguyên liệu đang rẻ nhưng khi đặt vấn đề thì tất cả ngân hàng đều rất khó tiếp cận”.

Theo ông Hùng, các ngân hàng đều ở tâm lý lo sợ, không dám cho vay vì lo ngại khi hết dịch rồi, nếu DN không trả được nợ, họ sẽ phải gánh trách nhiệm. “Hay như vấn đề giãn nợ, gia hạn nợ…, các ngân hàng đều khuyên rằng đừng đề xuất giãn nợ. Vì nếu giãn nợ thì hồ sơ sẽ bị đánh giá xấu và sau này khi vay vốn lại sẽ gặp khó khăn” - ông Hùng thẳng thắn.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cũng cho biết tiếp cận vốn đã khó thì không nói đến giãn lãi suất ngân hàng để làm gì.

“Cơ hội đã đến cho những người làm nông nghiệp. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ ra chính sách nhanh nhất để hỗ trợ DN nông nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường” - ông Huy tha thiết.

Tán thành với quan điểm trên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, đánh giá ngành nông nghiệp rất may mắn là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều cần vì là hàng thiết yếu. “Đây chính là cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu có những biện pháp thông minh, sáng tạo, có ý chí, bản lĩnh thì không những duy trì được sản xuất mà còn vươn lên vị trí mới” - chủ tịch VIDA nhấn mạnh.

“Mỗi nhân viên là một chiến sĩ, mỗi đơn vị là một pháo đài”

Với phương châm “Mỗi nhân viên là một chiến sĩ, mỗi đơn vị là một pháo đài, mỗi DN là một chiến hào chống dịch hiệu quả”, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết: Ngay khi dịch xảy ra, ưu tiên hàng đầu của công ty là giữ vững toàn bộ số lượng lao động, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch một cách mạnh mẽ để người lao động không bị nhiễm dịch bệnh.

Công ty cũng tổ chức tập trung người lao động làm việc tại các trang trại rộng hơn 100 ha có khu vực sát trùng, hạn chế người ra người vào để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan.

“Công ty có khoảng 1.400 công nhân. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chúng tôi vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho toàn bộ số công nhân này. Mức lương được giữ vững như trước, mức thưởng dựa vào chỉ số hoàn thành công việc” - ông Hùng thông tin.

Cơ cấu thị trường nông sản đảo chiều

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết quý I-2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 9,06 tỉ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Hiện cơ cấu thị trường cũng đang có sự đảo chiều. Thị trường Mỹ chiếm 23%, Trung Quốc chiếm 21,4%, sau đó là châu Âu, Hàn Quốc…

Bộ NN&PTNT dự báo thị trường nông sản tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh vào tầm tháng 5. Thị trường Mỹ, EU dự báo sẽ khôi phục và xuất khẩu mạnh mẽ vào khoảng tháng 7-8. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm