‘Có phải là dịch vụ lừa đảo không?’

Khi chương trình này được vận hành và số điện thoại của tôi được công khai, có đại diện doanh nghiệp đã gọi điện thoại hỏi: “Đây có phải là sự thật không hay là dịch vụ lừa đảo?”.

Câu chuyện này được ông Bắc chia sẻ tại hội thảo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày 5-4.

Sở dĩ có câu hỏi đó là vì từ trước tới nay, các doanh nghiệp muốn đề xuất, phản ánh, khiếu nại vấn đề gì thường rất khó tiếp cận các sở, ban, ngành. Khi tiếp cận được rồi thì thời gian chờ đợi câu trả lời cũng không phải ngắn. Trong khi đó, hoạt động của chương trình Bác sĩ doanh nghiệp là chủ động đi đến từng doanh nghiệp để hỏi xem họ có vướng mắc gì cần giải quyết hay không. Điều đó hoàn toàn xa lạ với cung cách hành chính của các cơ quan nhà nước.

Không chỉ tại hội thảo này mà ở nhiều hội thảo từ đầu năm tới nay, mô hình như cà phê doanh nhân đang được đề cập đến như một điển hình đối thoại. Từ Đồng Tháp đến Tuyên Quang, từ Long An đến Cần Thơ… cà phê doanh nhân đang được xem là cơ hội để tiếng nói doanh nghiệp đến được lãnh đạo đầu tỉnh.

Tất nhiên, như đại diện nhiều tỉnh, thành chia sẻ, những buổi cà phê nói chuyện chính sách ấy không hẳn đã giải quyết được mọi vấn đề nhưng nó là một nét mới trong việc lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, kể cả người dân. Lãnh đạo các tỉnh khi gặp được doanh nghiệp thì nghe được nhiều câu chuyện từ thực tiễn, khác xa với nhiều báo cáo với từ ngữ và con số đẹp.

Nhưng hình như có một vài vấn đề ở đây.

Thứ nhất, hầu hết kiến nghị, phản ánh, câu chuyện của doanh nghiệp đều là những vướng mắc có thể tháo gỡ ở các sở, ban, ngành. Vậy nếu các sở, ban, ngành có trách nhiệm hơn thì chắc chắn doanh nghiệp đã không phải khiếu nại, phản ánh lên lãnh đạo cấp cao.

Thứ hai, dù có tháo gỡ vướng mắc, khó khăn gì đi nữa thì tất cả phương án đều dựa trên các quy định pháp luật. Vậy nếu doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đều tuân thủ, thực hiện đúng quy định của pháp luật thì những vướng mắc, khó khăn ấy có còn hay không? Rõ ràng còn những vấn đề khác trong câu chuyện vướng mắc, khó khăn này.

Thứ ba, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp công dân, trong đó quy định chi tiết về thời gian, trình tự của việc tiếp công dân ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Nếu Luật Tiếp công dân được tuân thủ triệt để, có nội dung thực chất thì những mô hình cà phê doanh nhân liệu có lý do tồn tại hay không?

Dĩ nhiên, điều tất yếu là khi những hình thức như bác sĩ doanh nghiệp, cà phê doanh nhân còn đang có tác dụng thì cũng có nghĩa là dư địa để cải cách hành chính, thay đổi phong cách lãnh đạo, phương thức lắng nghe nhân dân… vẫn còn rất rộng.

Và những nỗ lực cải cách cũng vì thế mà còn được trân trọng và nuôi dưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới