Việc ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex - chủ đầu tư dự án xơ sợi Đình Vũ) và hiện là thành viên HĐTV Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), đã không đến cơ quan nhiều ngày nay đang gây nhiều thắc mắc cho dư luận.
Pháp Luật TP.HCMđã đặt vấn đề với một số vị đại biểu tại hành lang Quốc hội sáng 4-11 về sự việc này. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Vụ trưởng kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đã trả lời một số câu hỏi liên quan.
. Phóng viên: Thưa ông, ông Vũ Đình Duy đi chữa bệnh ở nước ngoài nhưng cơ quan chủ quản nói họ không đồng ý. Nhiều trường hợp cứ khi có kết luận thanh tra, hoặc chuẩn bị có động thái kỷ luật, điều tra… thì lại “bỗng dưng” đi chữa bệnh ở nước ngoài. Ông bình luận thế nào về những trường hợp này?
+ Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Nhiều trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh có thể là có bệnh thật. Nhưng cũng không loại trừ những trường hợp đi nước ngoài để trốn tránh. Ví dụ về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh đi nước ngoài chữa bệnh để trốn tránh là khá điển hình, hay trường hợp ông Vũ Đình Duy mà anh mới đề cập.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Có trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh để chạy trốn". Ảnh: TRỌNG PHÚ
Có điều là đối với những vụ lớn, nhạy cảm và có khả năng dẫn đến việc trốn chạy thì lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan chủ quản của người bỏ trốn phải phối hợp với các cơ quan khác để quản lý cán bộ. Ví dụ phải phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, các cửa khẩu, thậm chí có những trường hợp phải cho an ninh theo dõi.
. Vì sao phải cho lực lượng an ninh theo dõi, thưa ông?
+ Việc theo dõi này, ngoài mục đích như đã nói trên, còn có một tác dụng nữa là để bảo vệ những người đó, vì biết đâu họ sẽ bị những kẻ khác thủ tiêu, ám sát để bịt đầu mối về những sai sót. Tôi cho rằng có sự sai sót trong quản lý cán bộ ở đây.
. Nhưng nhiều trường hợp vừa ra đến sân bay là lực lượng an ninh đã phát hiện ngay và ngăn chặn xuất cảnh. Tại sao những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy lại cứ ra đi như chỗ không người?
+ Việc này rất khó phỏng đoán nguyên nhân. Điều này cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ. Bởi vì, cũng có những cái khó. Chẳng hạn cơ quan an ninh nói không có lệnh nào cho phép ngăn cản, tạm giữ. Về mặt tố tụng, hành chính thì nếu một người không có vấn đề gì thì cứ đi thôi.
Nhẽ ra khi có kết luận thanh tra thì việc hạn chế đi lại đối với những người có liên quan phải được tính đến. Chứ cơ quan an ninh không có quyền ngăn cản một người xuất cảnh nếu không có lệnh, vì điều này sẽ xâm phạm đến quyền con người. Tôi cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là trong những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy.
. Xin cảm ơn ông
Nhân vật chính trong vụ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Chiều 3-11, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến trụ sở Vinachem để tìm hiểu thông tin liên quan đến ông Duy. Một cán bộ xác nhận ông Duy không đến cơ quan nhiều tuần nay và đã có đơn xin phép nghỉ ốm, đi nước ngoài chữa bệnh. Tuy nhiên, đơn của ông Duy chưa được lãnh đạo Vinachem chấp thuận. Sau khi liên hệ với ông Duy không được, ngày 2-11, Vinachem có công văn báo cáo Bộ Công Thương về việc này. Trong văn bản trả lời, Bộ Công Thương nêu quan điểm: Không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy. Lãnh đạo Vinachem phải triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ông Vũ Đình Duy từng là tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex - đơn vị quản lý, đầu tư dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ). Sau đó ông Duy được cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng điều động về làm thành viên HĐTV Vinachem. Liên quan đến dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra, trong đó kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự bởi kết quả thanh tra cho thấy quá trình thực hiện đầu tư dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư. Theo kết luận thanh tra, dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ do Tập đoàn Dệt may VN và Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỉ đồng) nhưng chỉ sau vài năm đi vào hoạt động dự án này đã thua lỗ gần 1.500 tỉ đồng. TRÀ PHƯƠNG |