Thông tin tại họp báo thường kỳ Quý 1 của Bộ Tài chính chiều 29-3, Phó Tổng trưởng Tổng cục thuế Mai Sơn cho biết, đến ngày 28-3, cả nước đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Còn khoảng trên 100 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 1,1%.
Thông tin thêm ông Mai Sơn cho hay, hiện đã có 59/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%, 40 địa phương hoàn thành 100% tiến độ. Theo báo cáo của các Cục Thuế, phấn đấu đến ngày 31-3 về cơ bản các cửa hàng xăng dầu trên cả nước sẽ thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cũng cho biết, tại từng địa phương, cơ quan thuế chủ trì tham mưu UBND chỉ đạo và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền đến người nộp thuế quy định về hoá đơn, chứng từ và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng; các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tổ chức hội nghị trao đổi, làm việc với các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai thành công và thảo luận giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn, chứng từ.
Đặc biệt, ngành thuế thành lập các đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nắm bắt thực trạng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với từng địa bàn, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Nói về vướng mắc, khó khăn của những địa phương chưa triển khai việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, ông Mai Sơn cho biết, theo thống kê chung, các cửa hàng chưa thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử đa phần đều là những cửa hàng tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo…
Hiện những cây xăng tại khu vực này vẫn còn gặp khó khăn nhiều về đường truyền dẫn. Bên cạnh đó, hệ thống cây xăng chưa đồng bộ. Còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng - kỹ thuật...
Vàng thau lẫn lộn, quản lý tài sản ảo như thế nào?
Liên quan đến tiến độ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động, phối hợp triển khai công tác nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất phương án quản lý, xử lý thích hợp với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo.
Sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này (nếu có).
Ông Sơn nhấn mạnh, tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đang có các cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này.
Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.
Ngoài ra, việc đề xuất phương án quản lý cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số. Công tác quản lý, giám sát cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.
Trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã cảnh báo về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.