Ngày 29-11, Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã ký kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh.
Người đi mô tô, xe máy gây tai nạn hơn 80%
Theo đó, thời gian qua, lực lượng CSGT đã cố gắng triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), mở nhiều đợt cao điểm, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng năm 2023 còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) tăng 2 tiêu chí (số vụ và số người bị thương, tăng 13,9%), đối tượng gây TNGT là người điều khiển mô tô - xe gắn máy chiếm tỷ lệ cao (70,1%); riêng tháng 11, đối tượng gây TNGT là người điều khiển mô tô - xe gắn máy chiếm tỷ lệ 80,4%.
Để kiềm chế, kéo giảm TNGT, Kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát và tập trung xử lý có hiệu quả hành vi vi phạm đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên các tuyến giao thông đường bộ trên toàn tỉnh.
Theo đó, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và các hành vi vi phạm khác theo quy định.
Đặc biệt, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý mô tô phân khối lớn chạy thành đoàn, rú ga, nẹt pô, gắn biển số không đúng quy định và xe cũ nát, không gắn biển số, xe chở đá, chở gas…
Sử dụng camera ghi lại hoạt động công tác
Tổ chức điều tra cơ bản, khảo sát, nắm tình hình tuyến, địa bàn giao thông, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự và quy luật hoạt động về thời gian, tuyến, địa bàn, lưu lượng phương tiện là mô tô, xe gắn máy (tập trung mô tô phân khối lớn) tham gia giao thông .
Lựa chọn vị trí kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các phương tiện giao thông khác và tuyệt đối an toàn.
Các tổ kiểm tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định và phải mang đầy đủ để thực hiện có hiệu quả kế hoạch.
Kịp thời ngăn chặn các hành vi cản trở, chống đối, hoạt động phạm tội; sử dụng camera ghi lại hoạt động trong ca công tác; kiểm soát vào ban đêm phải có đèn chiếu sáng.
Khi kiểm soát tại một điểm, phải có cảnh báo để người tham gia giao thông biết, như: đặt rào chắn bằng các cột hình chóp nón, biển báo “Đi chậm” và bố trí cán bộ hướng dẫn, điều tiết giao thông.
Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn, ma túy thì sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn, thử ma túy đã được trang bị hoặc phối hợp với cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để xác định mức độ vi phạm.
Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, như cướp giật tài sản, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ…
Khi gặp các hành vi chống đối, lực lượng CSGT phải chủ động, phối hợp các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Lãnh đạo Phòng CSGT và Công an các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Tổ tuần tra, kiểm soát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chấn chỉnh việc chấp hành quy trình công tác kiểm tra, Điều lệnh CAND, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân; phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.
Được biết, kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý được thực hiện từ ngày 1-12 đến hết ngày 31-12-2023.