Giải thích thêm về việc quyết định khám xét tiệm vàng do chủ tịch UBND quận ký ban hành ngày 23-4, tức trước một ngày so với ngày khám xét, phía công an quận cho biết “do có sự nhầm lẫn, sơ xuất trong khi ban hành”. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - chủ tiệm vàng cũng thông tin thêm với Pháp Luật TP.HCM: Vào thời điểm công an đến kiểm tra thì bà đang ở ngoài. Nghe nhân viên báo lại có công an đến lập biên bản bà liền chạy về tiệm. Lúc ấy, bà không hề biết có việc đổi tiền nói trên nên từ chối ký vào biên bản vi phạm quả tang. Người thanh niên đổi tiền cũng được cơ quan chức năng kêu đến sau. Cuối buổi khám xét, công an chỉ giao cho bà biên bản khám xét chứ không giao quyết định khám xét của chủ tịch UBND quận.
Chủ tiệm vàng lấy vàng, đôla cho cơ quan công an khám xét. (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM lưu ý: Hiện nay Nhà nước không có quy định cấm người dân cất giữ ngoại tệ, vàng. Nếu đúng là công an quận có bắt quả tang việc đổi 100 USD không đúng quy định của pháp luật thì tang vật vi phạm chỉ là 100 USD. Cơ quan công an không thể tạm giữ số ngoại tệ còn lại của tiệm, cũng như không được niêm phong số vàng ở tiệm.
Đồng quan điểm, luật sư Đoàn Văn Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng ngoài 100 USD tang vật thì số ngoại tệ còn lại là của chủ tiệm. Công an quận đã làm không đúng khi gom hết số ngoại tệ về tạm giữ, trong đó có cả tờ 100 USD là tang vật. Gộp chung vậy thì làm sao phân biệt được tiền nào là tang vật để xử lý tiếp theo. Về vàng thì người dân được quyền cất giữ trong nhà mình. Chỉ khi nào phát hiện có việc mua bán vàng miếng trái phép thì công an mới được tạm giữ số vàng tang vật. Công an quận còn một thiếu sót nữa là không giao quyết định “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm là chỗ ở” cho chủ tiệm vàng theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
ÁI NHÂN