Công an đi kiểm tra vụ phá rừng trên đồi Kumagai

Ngày 6-6, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, đã có báo cáo kết quả xác minh thông tin vụ phá rừng trên đồi Kumagai mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh cho UBND tỉnh Bình Thuận.

Các cây gỗ bị triệt hạ.

Theo Sở NN&PTNT, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong hai ngày 4 và 5-6, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc và Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận-Đa Mi tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin nêu tại bài báo trên. Theo Sở NN&PTNT, việc báo Pháp Luật TP.HCM phản ảnh nội dung phá rừng là đúng và có thật.

Qua kiểm tra, có ba khu vực bị tác động gồm: Vị trí 1, diện tích 0,11 ha, hiện trường đã bị phát trắng (dọc theo rẫy cũ), hiện trạng chủ yếu là cây le, lồ ô, cây tái sinh, cây thân gỗ có đường kính xấp xỉ 10 cm và một số cây thân gỗ có đường kính nhỏ hơn 10 cm.

Vị trí 2: Diện tích bị phá 2,058 ha. Trong đó có 0,188 ha chỉ chặt hạ cây le, lồ ô, cây bụi, cây tái sinh và cây thân gỗ đường kính xấp xỉ 10 cm, số cây thân gỗ có đường kính trên 10 cm chưa tác động chặt hạ. Tại vị trí này có 1,87 ha đã bị phát trắng, hiện trạng là cây le, lồ ô, cây tái sinh, cây thân gỗ có đường kính xấp xỉ 10 cm và cây thân gỗ có đường kính hơn 10 cm; qua thống kê được 120 cây với khối lượng 10,38 m3 còn nằm rải rác tại hiện trường.

Vị trí 3: Diện tích bị phá 3,51 ha, hiện trường chỉ chặt hạ cây le, lồ ô, cây bụi, cây tái sinh và cây thân gỗ đường kính xấp xỉ 10 cm. Tổng diện tích ở ba vị trí phá rừng là 5,678 ha.

Qua các dấu vết để lại hiện trường và trên bề mặt gốc cho thấy đối tượng đã sử dụng rựa và cưa máy để phá rừng; thời điểm phá rừng khoảng từ ngày 3 đến 6-5 . Ngoài ra, qua kiểm tra hiện trường còn phát hiện có dấu sơn đỏ tại ranh giữa khu vực rừng bị tác động phá và ranh rừng thuộc tiểu khu 181A của Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận-Đa Mi.

Theo báo cáo của tổ kiểm lâm địa bàn xã Đa Mi, ngày 10-5, tổ đã phối hợp với Công an xã Đa Mi, Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận-Đa Mi làm việc với ông Đỗ Tuấn Anh (sinh năm 1978, thường trú tại thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi, nhưng ông Đỗ Tuấn Anh không thừa nhận thuê người vào chặt phá diện tích rừng tại khu vực trên.

Tổ kiểm lâm cũng đã lập biên bản làm việc với chín hộ dân (ngụ thôn Đa Tro và thôn La Dày, xã Đa Mi) và các hộ dân này cho biết thời điểm phá rừng vào khoảng đầu tháng 5-2018, số người tham gia phá rừng có khoảng 20 người, không phải là người tại địa phương.

Các hộ dân cho biết thêm: Đã có hỏi những người phá rừng là phá rừng cho ai thì được trả lời là họ vào phá rừng thuê cho dự án. Ngoài ra, chín hộ dân còn kiến nghị với cấp có thẩm quyền không cấp đất khu vực này cho dự án vì đã có hành vi phá rừng và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân ở khu vực dự án.

Hiện nay UBND xã Đa Mi đã kiến nghị UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo công an huyện vào cuộc để điều tra, xác minh làm rõ đối tượng phá rừng và người cầm đầu phục vụ cho công tác xử lý.

Theo tài liệu được đoàn kiểm tra thu thập thì Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi có công văn số 01/CV-Cty về việc đăng ký nhân sự vào thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực dự án trồng cây lâu năm và quản lý, bảo vệ rừng tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc của Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi.

Hiện trường vụ phá rừng.

Khi UBND xã Đa Mi chưa đồng ý, ngày 12-5, Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi đã tự ý đưa đoàn khảo sát vào khu vực Kumagai để triển khai đánh giá hiện trạng và đến ngày 17-5, UBND xã Đa Mi mới nhận được công văn nêu trên.

Qua ghi nhận hiện trường, kiểm tra và thông tin xác minh các dấu vết sơn làm ranh, mốc tại hiện trường cho thấy có liên quan đến việc triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng của Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi.

Theo tổ kiểm lâm địa bàn xã Đa Mi, ngày 6-5 đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận-Đa Mi tiến hành kiểm tra tình hình phá rừng trái pháp luật tại khu vực Kumagai và có phát hiện các đối tượng đang phá rừng. Khi phát hiện tổ công tác, các đối tượng phá rừng đã bỏ chạy, tổ công tác không truy bắt được đối tượng do trời mưa và chiều tối. Tại hiện trường, các đối tượng để lại một can xăng pha nhớt 5 lít, một thùng nước khoáng 20 lít. 

Ngày 11-5, UBND xã Đa Mi có báo cáo gửi UBND huyện Hàm Thuận Bắc về tình hình phá rừng tại khu vực Kumagai. Tuy nhiên, theo Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc và UBND xã Đa Mi, đến nay chưa nhận được công văn chỉ đạo nào về vụ phá rừng nêu trên từ UBND huyện Hàm Thuận Bắc.

Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Hàm Thuận Bắc, UBND xã Đa Mi, UBND xã Lộc Nam nhanh chóng xác minh đối tượng vi phạm, mức độ thiệt hại để củng cố hồ sơ, đề xuất xử lý theo quy định pháp luật.

Kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công; đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo công an huyện phối hợp và hỗ trợ Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc, UBND xã Đa Mi trong việc điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi chặt phá cây rừng để xử lý...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm