'Công chức, hộ thu nhập thấp được lợi từ giá điện bậc thang'
Tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng 8-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị bảy nhóm vấn đề, trong đó có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị tạm dừng giá điện bậc thang. Ảnh: Trung tâm báo chí
Lý giải về kiến nghị này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng mặc dù Bộ Công Thương đã giảm 10% giá điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện trong vòng ba tháng (từ tháng 4 đến 6-2020), ước tính tổng số tiền giảm khoảng 11.000 tỉ đồng nhưng “mấu chốt vấn đề hiện nay vẫn là áp dụng giá điện bậc thang trong bối cảnh khí hậu nóng, doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh trở lại sau khi hết cách ly xã hội. Điều này khiến nhu cầu dùng điện tăng cao, dẫn đến mức chi tiêu tăng lên” - ông Phong nói.
Trả lời kiến nghị này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn giảm giá điện trong ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020) cho các khách hàng là người dân, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch và cả các cơ sở tham gia công tác phòng chống, chữa trị dịch bệnh COVID-19.
Dự kiến mức hỗ trợ này sẽ được tính vào hóa đơn của tháng 5, 6 và 7. Tổng giá trị hỗ trợ tạm tính là 11.000 tỉ đồng.
Theo ông Hải, đến hết ba tháng hỗ trợ, tùy theo tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế nói chung, Bộ Công Thương sẽ rà soát và báo cáo với Chính phủ để xem xét việc có hỗ trợ thêm hay không.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Còn về kiến nghị tạm dừng tính giá điện theo bậc thang, ông Hải cho biết điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. “Do đây là năng lượng không được tái tạo nên đòi hỏi việc sử dụng phải tiết kiệm. Hiện giá điện tính đối với cơ sở sản xuất chỉ có một bậc, giá điện sáu bậc thang chỉ áp dụng chỉ cho hộ tiêu dùng riêng lẻ” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt theo năm bậc và gửi lấy ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan. Cụ thể, Bộ nhận được 122 ý kiến góp ý, trong đó có 113 ý kiến đồng tình tính giá điện theo năm bậc, bảy ý kiến đồng ý bốn bậc, một ý kiến đồng ý ba bậc và chỉ có một ý kiến đồng ý tính giá điện một bậc.
“Việc áp dụng tính giá điện theo năm bậc sẽ có lợi nhiều hơn cho những hộ sử dụng điện ít, các hộ thu nhập thấp, cán bộ, công chức” - ông Hải nói và cho rằng nếu áp dụng tính giá điện một bậc, trên toàn quốc sẽ có 18,8 triệu hộ, chiếm khoảng 75% khách hàng phải trả thêm tiền điện.
Còn tại TP.HCM sẽ có 1,26 triệu hộ, chiếm khoảng 45% khách hàng sử dụng điện là hộ thu nhập thấp tại TP phải trả thêm tiền điện. “Tổng giá điện sẽ không thay đổi, nếu tính theo một bậc thì giá điện phải chia đều, còn nếu tính theo năm bậc thì người dùng ít sẽ được tính giá thấp, người dùng nhiều hơn sẽ phải trả tiền nhiều hơn” - ông Hải nói.
Từ đó ông Hải cho biết Bộ Công Thương tiếp tục tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét và quyết định.