Nhà Trắng đã lên án các vụ tấn công ghê tởm xảy ra ở Pháp, Tunisia và Kuwait trong ngày 26-6. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã thông báo nâng mức báo động từ cấp 4 lên cấp 5 sau ba vụ tấn công ở Pháp, Tunisia và Kuwait.
Tunisia: Tên khủng bố bị bắn hạ tại chỗ
Đêm 26-6, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã phát thông báo trên mạng Twitter nhận trách nhiệm vụ tấn công trên bãi biển ở TP Sousse. Theo thông báo, tên xả súng trên bãi biển tên là Abu Yahya al-Qayrawani (23 tuổi). Mục tiêu nhắm đến là khách sạn Imperial Marhaba.
Thông báo cho biết hầu hết người bị giết chết là công dân các nước tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo.
Bộ Nội vụ Tunisia cho biết hung thủ vào bãi tắm như người bình thường. Hắn cầm theo chiếc dù bên trong có giấu súng. Khi ra tới bãi biển thì hắn bắt đầu bắn xối xả. Các nhân chứng cho biết tên tấn công cố tình nhắm bắn vào các du khách nước ngoài và chừa người Tunisia ra.
Đài truyền hình France 24 dẫn lời ông chủ khách sạn thuật lại tên tấn công trang bị súng trường Nga nhắm bắn du khách đang vui chơi trên bãi biển, sau đó tiếp tục truy đuổi họ đến tận khách sạn.
Bộ Nội vụ Tunisia thông báo tên khủng bố đầu tiên đã bị bắn hạ ngay tại bãi biển, hung thủ là sinh viên và không có tên trong danh sách đối tượng tình nghi của cảnh sát.
Vài giờ sau vụ tấn công, tên thứ hai đã bị bắt. Sau khi cảnh sát bắt được tên thứ ba, đám đông tức giận đã ném đá tên này cho đến khi cảnh sát giải vây.
TP Sousse cách thủ đô Tunis khoảng 140 km là một trong các địa chỉ du lịch ưa thích ở Tunisia. Năm ngoái có đến sáu triệu du khách đến Tunisia, trong đó phần lớn là người châu Âu.
Ngay sau vụ tấn công, rất nhiều du khách đã trả phòng về nước. AFP ghi nhận đêm 26-6, hàng trăm du khách nước ngoài quá sợ hãi đã lên xe buýt ra sân bay Enfidha để rời khỏi Tunisia.
Du khách than khóc cho người cùng đi du lịch bị bắn chết trên bãi biển Sousse (Tunisia). Ảnh: GETTY IMAGES
Các nạn nhân là ai?
Báo mạng Business Newscủa Tunisia dẫn lời Bộ Y tế Tunisia thông báo có 39 người thiệt mạng trong vụ tấn công và 39 người khác bị thương.
Tổng thống Pháp François Hollande thông báo không loại trừ có nạn nhân người Pháp. Tuy nhiên, sáng 27-6, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết không có công dân Pháp trong số nạn nhân ở Tunisia.
Ban đầu Bộ Y tế Tunisia cho biết các nạn nhân là ngườiAnh, Đức, Bỉ, Na Uy, Ba Lan và Cộng hòa Czech. Sau đó, Bộ Nội vụ thông báo lại tính đến cuối ngày 27-6 đã nhận dạng 10 thi thể gồm tám công dân Anh, một công dân Bỉ và một công dân Đức.
Đại sứ quán Pháp tại Tunisia đã phát thông báokêu gọi công dân Pháp ở Tunisia cảnh giác đến mức cao nhất và hạn chế đi lại. Các sứ quán Pháp đã mở đường dây khẩn cấp.
Đại sứ quán Anh tại Tunisia cũng đã phát thông báo tương tự. Thông báo nhắc các công dân Anh không nên rời khách sạn mà liên lạc ngay với các công ty du lịch, tuyệt đối không nói chỗ ở với báo chí và nêu trên mạng xã hội.
Báo chí Anh xuất bản sáng 27-6 đã giật tít: “Thảm sát trên ghế bãi biển”, “Ngày thứ Sáu đẫm máu”, “Khủng bố trên bãi biển”…
Đây là vụ sát hại đẫm máu nhất kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở London 10 năm trước. Vụ tấn công xảy ra ngày 7-7-2005. Bốn vụ nổ riêng rẽ trên các phương tiện giao thông công cộng đã làm 56 người chết, hơn 700 người bị thương.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu sau cuộc họp khẩn cấp: “Nước Anh đang chuẩn bị có nhiều công dân Anh bị sát hại trong vụ tấn công man rợ ở Tunisia”. Các biện pháp an ninh đã được củng cố ở Anh.
Pháp: Hung thủ là tài xế nhà máy
Tại Pháp, cơ quan điều tra đang tạm giữ ba nghi can gồm Yassin Salhi, vợ và em gái. Tối 26-6, công tố viên nước Cộng hòa ở Paris François Monin đã công bố diễn biến vụ tấn công xảy ra tại nhà máy khí đốt công nghiệp của chi nhánh Tập đoàn Air Products trong khu công nghiệp ở thị trấn Saint-Quentin-Fallavier thuộc tỉnh Isère.
Báo Le Figaro đưa tin công tố viên François Monin thông báo nhờ hai máy ghi hình lắp đặt tại nhà máy nên nhân thân hung thủ và diễn biến vụ tấn công đã được xác định nhanh chóng.
Lúc 9 giờ 28 sáng 26-6, xe tải nhẹ của nhà máy chạy đến trước cổng nhà máy và nhấn còi. Tài xế phụ trách giao hàng là Yassin Salhi. Trên xe có Yassin Salhi và ông chủ doanh nghiệp vận tải, người đã tuyển dụng Yassin Salhi vào tháng 3-2015.
Chiếc xe này vẫn thường ra vào nhà máy nên không ai để ý. Cổng nhà máy mở ra. Xe chạy vào trong đến cuối đường và trong vài phút khuất tầm quan sát của máy ghi hình.
Sau đó xe chạy trở ra rất nhanh về hướng nhà kho để cửa mở. Trong nhà kho có nhiều bình khí đốt và khí acetone. Một tiếng nổ vang lên. Cơ quan cứu hỏa nhận được điện thoại đã nhanh chóng đến nhà máy. Các nhân viên cứu hỏa nhìn thấy tài xế Yassin Salhi trong nhà kho thứ hai đang cố mở các bình acetone nên khống chế bắt giữ.
Về thiệt hại vật chất, một phần nhà kho bị thổi bay. Phía sau xe ô tô gần như bị phá hủy nhưng buồng lái gần như còn nguyên vẹn. Gần xe có một thi thể không đầu và một con dao. Thủ cấp được móc trên hàng rào nhà máy. Bọc quanh đầu là hai lá cờ có ghi chữ Ả Rập. Nạn nhân chính là ông chủ của hung thủ Yassin Salhi.
Tập đoàn khí đốt công nghiệp và y tế Air Products sản xuất khí gas cho nhiều lĩnh vực trong công nghiệp, y tế, môi trường và nông sản.
Air Products được thành lập năm 1940 ở Pennsylvania (Mỹ), sử dụng hơn 21.000 nhân viên trên toàn thế giới với doanh số 10,4 tỉ USD trong khoảng 50 nước. Tại Pháp, chi nhánh Air Products đặt trụ sở tại Aubervilliers (Paris) và ba nhà máy sản xuất khí đốt với gần 400 nhân viên, trong đó bao gồm nhà máy tại khu công nghiệp Saint-Quentin Fallavier.
Kuwait: Ngày 27-6, Kuwait đã tổ chức quốc tang cho 27 người chết trong vụ đánh bom tự sát trong đền thờ Hồi giáo Imam Al-Sadek (dòng Shiite) ở Kuwait City hôm trước đó (ảnh). Quốc tang diễn ra trong ba ngày. Ngoài số người chết còn có 222 người bị thương. Đây là lần đầu tiên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đánh bom ở Kuwait. Nhiều nghi can liên quan đến vụ tấn công cũng đã bị bắt. Chính phủ, Quốc hội, các đảng phái chính trị và các chức sắc tôn giáo đánh giá bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo muốn kích động chia rẽ tôn giáo ở Kuwait với 2/3 dân số theo Hồi giáo Sunni. Đây là vụ tấn công đầu tiên nhắm vào mục tiêu là nơi thờ phượng của các tín đồ dòng Shiite ở Kuwait. AFP đưa tin các nhóm công dân đã thành lập để kiểm soát an ninh ở lối vào các đền thờ. Chính phủ Kuwait đã thông báo đặt tất cả lực lượng cảnh sát trong tình trạng báo động. Somalia: Cùng ngày xảy ra các vụ tấn công ở Tunisia, Kuwait và Pháp do bọn Nhà nước Hồi giáo thực hiện, bọn khủng bố Al-Shabab ở Somalia đã tấn công một căn cứ của lực lượng Liên minh châu Phi ở TP Lego cách thủ đô Mogadishu khoảng 100 km. Căn cứ Lego có khoảng 100 binh sĩ Burundi đồn trú. Bọn khủng bố tuyên bố đã chiếm căn cứ này. Khoảng 50 binh sĩ thiệt mạng, trong đó đa phần là các binh sĩ Burundi. Các nhân chứng cho biết đầu tiên bọn khủng bố sử dụng xe ô tô đánh bom tự sát ở cổng doanh trại, sau đó hàng chục tên trang bị súng phóng lựu và tiểu liên tràn vào tấn công. Lực lượng Liên minh châu Phi lên án vụ tấn công và khẳng định có tổn thất nhưng không nêu rõ chi tiết. Đây là một trong các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Somalia từ trước đến nay. Lực lượng Liên minh châu Phi đồn trú tại Somalia từ năm 2007 để giúp Somalia đánh bọn khủng bố Al-Shabab. |