Tính đến tối 31-3, đại dịch COVID-19 đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 802.800 người trong đó hơn 39.000 người đã chết, theo trang theo dõi số liệu Worldometers.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, hàng chục quốc gia đã ban hành các quy định về giữ khoảng cách xã hội, thậm chí là phong tỏa cả một khu vực hoặc cả nước để chống dịch, theo tờ Business Insider.
Đã có 19 quốc gia đưa ra các hướng dẫn giữ khoảng cách xã hội hoặc phong tỏa cả đất nước. Nhiều nước khác tiến hành phong tỏa một số vùng nhất định để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Người dân Moscow giữ khoảng cách xã hội khi đến Quảng trường Đỏ. Ảnh: NYT
Mới đây nhất, Thị trưởng Moscow - ông Sergei Sobyanin đã ban lệnh phong tỏa vô thời hạn TP này, bắt đầu từ ngày 30-3 đến khi có thông báo mới, tờ The Moscow Times ngày 29-3 đưa tin. Các vùng khác ở Nga cũng đã được khuyến khích áp dụng biện pháp tương tự.
Người dân New York giữ khoảng cách khi xếp hàng trước một cửa hàng tạp hóa. Ảnh: REUTERS
Ở Mỹ, sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở nước này lên cao nhất thế giới, các đề xuất phong tỏa bang New York đã được nêu ra nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump không ủng hộ. Thay vào đó, ông đưa ra yêu cầu về giữ khoảng cách xã hội trong cả nước, kéo dài đến hết tháng 4, theo đài CNBC.
Một cửa hàng ở bang Gujarat, Ấn Độ vẽ sẵn các ô tròn để giãn cách những người xếp hàng vào mua đồ. Ảnh: TWITTER
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, kể từ ngày 24-3. Không chỉ yêu cầu người dân giữ khoảng cách xã hội, Ấn Độ còn tạm dừng hoạt động của ngành hàng không và ngành đường sắt để ngăn đà lây lan của COVID-19, theo CNBC.
Người dân London (Anh) xếp hàng cách nhau 2m khi chờ mua hoa quả. Ảnh: AP
Ở Anh, lệnh phong tỏa cả nước đã có hiệu lực từ tối 23-3 (theo giờ Anh). Người dân bị hạn chế ra khỏi nhà và bắt buộc phải thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách xã hội. Nếu vi phạm, họ sẽ bị cảnh sát phạt tiền và cưỡng chế giải tán đám tụ tập trái phép, theo tờ Evening Standard.
Cảnh sát Jordan hướng dẫn người dân giữ khoảng cách xã hội khi chờ vào giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: ROYA NEWS
Theo Business Insider, Jordan áp dụng lệnh giới nghiêm từ ngày 21-3 nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước. Tuy nhiên, quy định nghiêm khắc đã tạo ra tình trạng hỗn loạn, buộc chính phủ nước này giới lỏng quy định sau 4 ngày áp dụng. Dù vậy, người dân vẫn được yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách xã hội.
Người dân Israel đứng cách nhau 2m khi cầu nguyện bên ngoài một nhà thờ Do Thái giáo. Ảnh AFP
Ngày 19-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố siết chặt yêu cầu người dân cả nước phải ở nhà. Người dân Israel được yêu cầu không ra khỏi nhà, trừ những lúc đi mua thực phẩm và thuốc men, đi làm việc hoặc một số trường hợp ngoại lệ khác, theo hãng tin Reuters.
Người dân Barcelona xếp hàng để chờ đến lượt mua hàng ở một cửa hàng tạp hóa. Ảnh: AP
Tây Ban Nha áp đặt lệnh cách ly toàn quốc từ ngày 14-3, trở thành nước thứ hai ở châu Âu (sau Ý) thực hiện biện pháp này. Khoảng 47 triệu dân ở nước ngày được yêu cầu ở trong nhà trong ít nhất 15 ngày. Tuy nhiên mới đây lệnh cách ly được kéo dài đến hết ngày 11-4, theo báo The Washington Post.