Cho đến nay virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 3.460 người trên khắp Đông Nam Á, với 86 người chết. Hơn nửa số ca tử vong tập trung vào đất nước có dân số lớn thứ tư thế giới là Indonesia.
Indonesia chuyển "làng vận động viên" thành bệnh viện dã chiến
Indonesia đã báo cáo 64 trường hợp nhiễm COVID-19 mới và thêm 10 trường hợp tử vong trong ngày 22-3, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên 515 và 48 ca tử vong, ông Achmad Yurianto - phát ngôn viên Bộ Y tế nói với các PV.
Theo Channel News Asia, trong ngày có chín bệnh nhân nhiễm COVID-19 hồi phục, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên 29.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng lên người lái xe máy ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AP
Cũng trong ngày 22-3, các nhà chức trách Indonesia cho biết họ đã chuyển "làng vận động viên" từng được xây dựng phục vụ cho Đại hội thể thao châu Á 2018 thành một bệnh viện dã chiến với sức chứa 4.000 bệnh nhân, trong tình hình các ca nhiễm mới và tử vong ngày càng tăng.
Bốn trong số 10 tòa tháp tại "làng vận động viên" nằm ở thủ đô cũng đã được chuyển đổi thành một cơ sở y tế có thể chứa đến 7.000 người, bao gồm một đội đặc nhiệm, nhân viên y tế và 4.208 bệnh nhân. Nếu tất cả 10 tòa tháp được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến thì có thể chứa lên đến 20.000 bệnh nhân, theo hãng tin Reuters.
"Bộ doanh nghiệp nhà nước sẽ cung cấp vật tư cho bệnh viện để xử lý dịch COVID-19, từ các thiết bị chăm sóc sức khỏe, thuốc men, thiết bị bảo vệ cá nhân và khẩu trang" - ông Erick Thohir, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước, cho biết.
Trước đó, ngày 20-3, Thống đốc Anies Baswedan của thủ đô Jakarta đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô của Indonesia. Theo đó, kể từ ngày 23-3 các địa điểm giải trí công cộng như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim sẽ bị đóng cửa trong khi giao thông công cộng bị hạn chế.
Tính đến nay, tỉ lệ số ca tử vong so với số trường hợp nhiễm bệnh ở Indonesia là 8,7%, suýt soát so với ở Ý (0,9%). Các chuyên gia y tế lo lắng rằng có thể còn rất nhiều ca nhiễm ở Indonesia chưa được phát hiện.
Malaysia thêm hai ca tử vong, triển khai quân đội chống dịch
Malaysia ngày 22-3 đã báo cáo thêm 123 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia này lên 1.306. Malaysia đang có số lượng ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.
Tổng giám đốc y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cũng xác nhận rằng hai bệnh nhân đã chết vào ngày 22-3, đưa tổng số người chết ở quốc gia này lên 10 người.
Ca tử vong thứ chín là một người đàn ông 48 tuổi, có lịch sử du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ. Người đàn ông này là một bác sĩ, được biết là ca nhiễm 890 ở Malaysia, được đưa vào BV Tuanku Fauziah, Kangar vào ngày 17-3.
Một cảnh sát giơ một thông báo tại một chốt kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định kiểm soát di chuyển ở TP Ipoh, Malaysia. Ảnh: AP
Ca tử vong thứ 10 là một người đàn ông Malaysia, 74 tuổi, có liên quan đến thánh lễ tại nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling. Ông đã được đưa vào BV Pulau Pinang vào ngày 13-3 và được nằm máy thở trước khi tình trạng của ông xấu đi, ông Noor Hisham cho biết.
Trong số 123 trường hợp nhiễm mới, có tổng số 74 trường hợp liên quan với thánh lễ nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling.
Malaysia hôm 22-3 đã triển khai quân đội để thực thi lệnh cấm du lịch trong hai tuần. "Binh lính sẽ phối hợp cùng cảnh sát tại các chốt chặn trên đường và tuần tra để đảm bảo tuân thủ hoàn toàn các biện pháp hạn chế chặt chẽ nhất. Mặc dù cảnh sát cho biết tỉ lệ tuân thủ là 90% nhưng 10% không phải là con số nhỏ" - hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob nói.
Khoảng 63% trong số 1.303 trường hợp nhiễm COVID-19 ở Malaysia đều có liên quan đến thánh lễ nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling, diễn ra từ ngày 27-2 đến ngày 1-3, được tổ chức gần thủ đô Kuala Lumpur. Nghi lễ này quy tụ 16.000 người từ hơn 20 quốc gia. Các nước láng giềng như Brunei, Singapore, Campuchia và Thái Lan cũng có nhiều người bị lây nhiễm COVID-19 từ lễ hội này.
Singapore cấm khách du lịch nhập cảnh và quá cảnh
Tối 22-3, Singapore đã báo cáo thêm 23 trường hợp nhiễm mới COVID-19, chủ yếu là các ca nhiễm nhập khẩu, đưa tổng số ca nhiễm của nước này lên 455 ca. Số ca tử vong ở Singapore vẫn dừng ở hai ca, theo thông tin từ Bộ Y tế Singapore, theo Channel News Asia.
Bộ Y tế cho biết trong ngày 22-3 đã có bốn bệnh nhân được chữa khỏi và được xuất viện. Tính đến nay đã có 144 bệnh nhân COVID-19 nước này được chữa khỏi. Trong số 309 trường hợp đang được điều trị, hầu hết đều trong tình trạng ổn định và dần cải thiện.
Ngày 22-3, các nhà chức trách cho biết họ sẽ không cho phép bất kỳ du khách ngắn hạn nào quá cảnh hoặc vào Singapore. Đây là động thái nhằm cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus và ưu tiên cho công dân Singapore đang trở về từ các quốc gia khác. Hạn chế này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào 11 giờ 59 phút ngày 23-3 (giờ địa phương).
Ca nhiễm mới ở Thái Lan tăng kỷ lục
Thái Lan hôm 22-3 đã báo cáo 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, được biết là mức tăng kỷ lục ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 599, Channel News Asia dẫn lời một quan chức y tế cấp cao.
Quân đội hoàng gia Thái Lan khử trùng trên đường phố Bangkok. Ảnh: REUTERS
Phát ngôn viên Bộ Y tế Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cho hay số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 22-3 có liên quan đến những ca nhiễm trước đó từ một trận đấu Muay Thái tại đấu trường Lumpini ở Bangkok, theo tờ Bangkok Post.
“Hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Bangkok và nằm trong số nhiều người trẻ tiếp tục có những hoạt động xã hội nên có thể có thêm trường hợp bị nhiễm” - ông Taweesin nói, đồng thời kêu gọi người dân ở nhà.
Ông Taweesin cho biết thêm hiện có bảy bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng. Cho đến nay Thái Lan xác nhận có một ca COVID-19 tử vong.
Những nước ASEAN có ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và chưa có ca tử vong gồm Việt Nam (113 ca), Campuchia (84) và Brunei (88). Hai nước ASEAN còn lại chưa xác nhận có ca nhiễm nào là Lào và Myanmar.